Mới đây, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT xem xét, xử lý và trả lời kiến nghị của các đại diện công ty vận tải hành khách đường bộ tại TP.HCM về việc sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô liên quan đến xe "dù", bến "cóc", xe hợp đồng trá hình… Thời hạn trả lời là trước ngày 3-3-2017.
Tháng 1-2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng có kết luận dù có nhiều chỉ đạo nhưng tình trạng xe "dù”, bến "cóc” trên địa bàn TP chưa có chuyển biến tích cực.
Nhiều điểm đón khách trá hình
Bến xe Thành Bưởi trên đường Lê Hồng Phong chưa bị dẹp bỏ. Nguồn: Báo Công An
Được biết các kiến nghị của đại diện các công ty vận tải hành khách đường bộ tại TP.HCM có liên quan đến việc dẹp trật tự xe "dù", bến lậu, qua đó để các doanh nghiệp vận tải có môi trường cạnh tranh công bằng.
Sở GTVT TP.HCM đã kết luận TP hiện có 86 điểm đón trả khách trong nội đô, trong đó nhiều nhà xe đã lách luật để hoạt động gây mất trật tự an toàn giao thông.
Dọc các tuyến đường tại quận 10, quận 5 không khó để nhận ra rất nhiều xe trên 25 chỗ lòng vòng qua các tuyến phố. Khi thấy không có các lực lượng chức năng, những xe này tấp vào lề đường, từ phía sau xe trung chuyển chạy tới, hành khách và hàng hóa được chuyển qua xe khách trong vài phút.
Trong số này, tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong (cổng vào số 1 đường Vĩnh Viễn, quận 10), điểm đón trả khách đã hoạt động nhiều năm. Nơi đây là trụ sở của một doanh nghiệp giày dép nhưng thực tế được tận dụng làm nơi hoạt động như một bến xe: Có phòng chờ khách lên xe, có dịch vụ đưa đón khách, bán vé… các tuyến TP.HCM - Đà Lạt - Cần Thơ - Đà Lạt. Sau 10 giờ đêm, tại đây thường xuyên có xe giường nằm ra vào đón khách, ban ngày có xe trung chuyển.
Theo báo cáo ngày 21-9-2016 của UBND quận 10 gửi UBND TP nêu rõ địa điểm kinh doanh của Công ty Thành Bưởi tại 419 Lê Hồng Phong hoạt động như một bến xe nhưng không theo quy hoạch đã được phê duyệt, không trình duyệt phương án PCCC... "Bến xe này là đất của Nhà nước cho Công ty CP Giày Sài Sòn thuê và đơn vị này đã sử dụng sai mục đích" - báo cáo nêu. Theo phản ánh của người dân ở xung quanh "bến xe" này, từ 29 đến mùng 5 Tết Đinh Dậu, xe khách Thành Bưởi ra vào nơi này để đón trả khách, bốc dỡ hàng hóa 24/24 giờ. Theo UBND quận 10, người dân địa phương đã nhiều lần gửi đơn khiếu kiện về hoạt động của "bến xe" này.
Trong năm 2016 UBND quận 10 và UBND TP.HCM đã ra nhiều công văn, thậm chí có cả công điện của Thủ tướng, công văn của Bộ GTVT yêu cầu xử lý tình trạng xe "dù", bến "cóc" nói chung và xe khách trá hình, bến xe khách lậu. Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Có hay không chuyện doanh nghiệp lách luật?
Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Xe chạy hợp đồng hay du lịch thì phải có hợp đồng và danh sách người đi. Nhiều đơn vị lách luật bằng cách khách mua vé thì ghi tên danh sách nên khi lực lượng kiểm tra đến thì họ đưa ra bằng chứng là có danh sách người đi đầy đủ đúng theo quy định nên lực lượng kiểm tra khó mà phát hiện và xử lý được những trường hợp này”.
Một lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết: “Điều quan trọng nhất là cần phải làm sao để các doanh nghiệp đó không thể lách hành lang pháp lý. Vì khi cơ quan quản lý đến kiểm tra, họ căn cứ vào điều này để xử phạt nhưng doanh nghiệp lại đưa ra điều khác để phủ nhận lại thì như vậy làm sao mà giải quyết được”.
Xe "dù", xe trá hình đã xuất hiện hàng năm qua, lãnh đạo TP hứa xử lý dứt điểm thế nhưng đến nay vẫn không xử lý được dứt điểm. Vì vậy rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đủ thẩm quyền để xử lý.