Hôm 6-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu không nên phát động cuộc tấn công toàn diện vào TP Rafah (cực nam Gaza).
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Tổng thống không muốn thấy các hoạt động ở Rafah gây rủi ro lớn hơn cho hơn 1 triệu người đang tìm nơi ẩn náu ở đó”.
Tuy nhiên, vài giờ sau đó, lực lượng Israel đã thực hiện các cuộc không kích có mục tiêu ở phía đông TP Rafah và đưa xe tăng vào chiếm giữ phía bên Gaza của cửa khẩu Rafah (nối Gaza với Ai Cập).
Theo tờ The Wall Street Journal, cuộc tấn công của Israel cho thấy khoảng cách lớn giữa ông Biden và ông Netanyahu về chiến lược giải cứu con tin bị Hamas giữ ở Gaza, cũng như cách kết thúc cuộc xung đột.
Mỹ đặt thêm áp lực lên Israel?
Cho đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa thấy được thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel, dù đã nỗ lực thực hiện vai trò hòa giải. Ngoài ra, phía Mỹ cũng chưa thuyết phục ông Netanyahu trì hoãn kế hoạch đổ bộ Rafah.
Ngày 6-5, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas thông báo chấp nhận đề xuất ngừng bắn và thả con tin do các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar đưa ra.
Theo ông Khalil al-Hayya – phó lãnh đạo Hamas ở Gaza, trong thỏa thuận này, vào ngày đầu tiên của giai đoạn đầu tiên, các bên cam kết về việc tạm thời dừng các hoạt động quân sự. Giai đoạn thứ hai sẽ thông báo về việc “ngưng vĩnh viễn các hoạt động quân sự và thù địch”.
Phía Mỹ cho biết đang xem xét đề xuất này. Trong khi đó, phía Israel cho rằng đề xuất này “không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của Israel”.
Theo The Wall Street Journal, tuyên bố của Hamas về việc chấp nhận đề xuất ngừng bắn có vẻ giống một lời phản đối hơn, nhằm mục đích biến Israel trở thành bên không có thiện chí và cản trở việc đạt được thỏa thuận. Xét về phía Israel, cuộc tấn công của Israel vào Rafah hôm 6-5 cũng có thể là một chiến thuật đàm phán, ít nhất nhằm mục đích nhắc nhở Hamas về cái giá phải trả nếu không đạt được thỏa thuận.
Trong bối cảnh những bất đồng về kế hoạch đổ bộ Rafah vẫn đang là tâm điểm trong quan hệ Mỹ-Israel, đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ rằng chính quyền ông Biden chỉ tạm dừng vận chuyển lô đạn dược do Mỹ viện trợ Israel, song không cho biết lý do.
Khi được hỏi về lô hàng bị tạm dừng, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ không đề cập cụ thể lý do, mà chỉ nhắc lại những lần Mỹ hỗ trợ an ninh Israel. Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, nếu thông tin này chính xác thì đây là một phần trong chiến lược gây áp lực của Mỹ, buộc Israel không vội thực hiện kế hoạch đổ bộ Rafah.
Lựa chọn của Israel
Kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, ông Biden được xem là một trong những người ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất.
Mỹ đã cung cấp lượng vũ khí trị giá hàng tỉ USD cho Israel và nhiều lần bảo vệ Israel tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. The Wall Street Journal cho rằng với những hành động này, Mỹ hy vọng họ sẽ có thể để tác động đến các tính toán của các nhà lãnh đạo Israel.
Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng.
Trong nhiều tuần qua, chính quyền ông Biden đã dần tăng áp lực lên Israel và Hamas, thúc đẩy hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn. Các quan chức Mỹ cho rằng việc ngừng bắn là cần thiết để đảm bảo việc thả con tin, bao gồm công dân Mỹ, đồng thời tạo cơ hội cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.
“Nếu chúng ta có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn, đưa con tin ra ngoài, chúng ta sẽ đạt được điều gì đó bền vững theo thời gian” – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hôm 1-5, sau cuộc họp với ông Netanyahu.
Ngược lại, ông Netanyahu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chiến đấu với 4 tiểu đoàn Hamas ở Rafah, ngay cả khi đàm phán đang diễn ra.
“Ý tưởng về việc chúng tôi sẽ dừng cuộc chiến trước khi đạt được tất cả các mục tiêu là không thể thực hiện được” – ông Netanyahu cho biết, và khẳng định Israel sẽ thực hiện kế hoạch đổ bộ Rafah “dù có hoặc không có thỏa thuận”.
Trong khi đó, nhiều tuần liền, phía Mỹ tuyên bố rằng sẽ không ủng hộ kế hoạch đổ bộ Rafah, trừ khi Israel đưa ra một kế hoạch hiệu quả để đảm bảo rằng hơn 1 triệu người dân đang trú ẩn trong TP này sẽ không bị ảnh hưởng.
Hôm 6-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Mỹ sẽ không hỗ trợ cuộc tấn công Rafah mà Israel đang hình dung. Cuộc tấn công như vậy sẽ làm tăng nỗi đau khổ của người dân Palestine”.
Cũng trong hôm 6-5, lực lượng Israel đã yêu cầu 100.000 người sơ tán khỏi miền đông Rafah đến khu vực ven biển al-Mawasi (nam Gaza) và cảnh báo sẽ sử dụng “vũ lực chống lại các tổ chức khủng bố ở những khu vực này [đông Rafah]”.
Dựa trên động thái này, nhiều nhà quan sát dự đoán rằng kế hoạch của Israel là tránh đổ bộ vào Rafah, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Thay vào đó, Israel có thể tiến hành một loạt cuộc tấn công riêng lẻ ở Rafah, trong khi thiết lập quyền kiểm soát biên giới giữa Gaza và Ai Cập.
Cùng lúc đó, nội các chiến tranh Israel cho biết đang cử một phái đoàn trở lại tham gia đàm phán ngừng bắn, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động ở Rafah, nhằm gây áp lực buộc Hamas phải thả con tin và thúc đẩy “các mục tiêu khác của cuộc chiến”.
Theo The Wall Street Journal, sự ủng hộ đối với ông Netanyahu đã sụt giảm đáng kể sau khi Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 7-10-2023. Tuy nhiên, ông Netanyahu có thể trụ vững trên cương vị thủ tướng nếu có thể giữ vững liên minh đa số ghế trong quốc hội và nhận được sự ủng hộ của các thành viên cực hữu trong chính phủ của ông.
“Có vẻ như họ có kế hoạch thực hiện [đổ bộ Rafah] dần dần. Đó không phải là điều chính quyền ông Biden phản đối. Tính toán của ông Netanyahu tập trung nhiều vào việc duy trì liên minh của ông ấy ở Israel, hơn là làm cho ông Joe Biden hài lòng” – ông Aaron David Miller, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.