Nóng trong tuần

Buộc lao động công ích khi vi phạm giao thông: Cần thiết!

(PLO)- Bạn đọc cho rằng việc đưa hình phạt buộc lao động công ích đối với người vi phạm giao thông có tính răn đe cao, nên áp dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành chỉ thị tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng có yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu sửa quy định theo hướng tăng hình phạt với người vi phạm nồng độ cồn hoặc mắc lỗi nhiều lần với các hình thức như buộc lao động công ích; thu hồi giấy phép lái xe với người sử dụng, nghiện ma túy…

Một số bạn đọc cho rằng việc đưa hình phạt buộc lao động công ích đối với người vi phạm giao thông sẽ có tính răn đe cao, nên áp dụng. Cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét mức độ vi phạm và lỗi vi phạm như thế nào mới áp dụng để hình thức phạt này mang lại hiệu quả cao.

Phạt lao động công ích có tính răn đe cao

Theo anh Nguyễn Văn Dũng, một kỹ sư xây dựng làm việc tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, phạt lao động công ích là hình thức phạt bổ sung giúp người vi phạm giao thông chuộc lỗi đối với cộng đồng dù đã đóng tiền phạt hành chính. Đồng thời, đây là hình thức phạt mà ai cũng phải nhớ đời và không dám tái phạm.

Hiện trường một vụ tai nạn tại Quốc lộ 1A (tỉnh Long An). Ảnh: LÊ DUY - HUỲNH DU

Hiện trường một vụ tai nạn tại Quốc lộ 1A (tỉnh Long An). Ảnh: LÊ DUY - HUỲNH DU

“Tôi thấy đây là hình thức xử phạt văn minh vì vừa mang tính răn đe vừa giúp ích cho xã hội. Thế nhưng, khi đưa vào quy định thì cần phải xem xét lại lỗi nào cần áp dụng, lỗi nào không. Ví dụ như lỗi vượt đèn đỏ, vi phạm nồng độ cồn…, đây là những lỗi dễ gây ra tai nạn giao thông nhất. Ngoài ra, đối với những lỗi như không mang theo giấy tờ, không đội mũ bảo hiểm… là những lỗi nhẹ, khả năng gây ra tai nạn thấp thì không nên áp dụng hình phạt này. Bởi tài xế sau khi đóng tiền phạt, họ còn phải tiếp tục lao động lo cho bản thân và gia đình” - anh Dũng nêu.

Anh Trần Minh Tâm, một tài xế xe đường dài, làm việc tại một công ty ở tỉnh Sóc Trăng, cũng cho rằng buộc phải lao động công ích đối với những người vi phạm giao thông là cần thiết vì nó có tính răn re đối với những người có ý thức kém, không chấp hành đúng luật giao thông.

“Theo tôi, hình thức phạt lao động công ích chỉ nên áp dụng với những lỗi cố ý vi phạm giao thông và có gây ra hậu quả cho người khác nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với những lỗi không gây nguy hiểm và chưa gây ra hậu quả thì nên phạt tiền là được. Thực tế có người vi phạm là một người sống mẫu mực, luôn chấp hành đúng quy định nhưng do không để ý nên chạy lấn làn đường, quên mang theo giấy tờ, quên bật đèn xi nhan… mà bị phạt đi lao động công ích thì tội cho họ. Bởi nếu họ lỡ vi phạm giao thông và bị phạt lao động công ích thì nhiều người biết, họ sẽ xấu hổ, thậm chí họ sẽ mặc cảm” - anh Tâm nói.

Cần nghiên cứu để đưa vào luật

Liên quan đến hình thức phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông, luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trước đây, tại thời điểm xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trong dự thảo luật đã bổ sung hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng”. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, biện pháp này đã không được đưa vào trong luật này khi thông qua.

“Hình thức phạt này cũng là cách tuyên truyền để những người vi phạm rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu áp dụng hình thức phạt này thì phải quy định đối tượng vi phạm có độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau để bố trí việc phù hợp. Ngoài ra, để quy định khi áp dụng có tính khả thi thì cần có quy định riêng khi lao động công ích đối với người vi phạm ở vùng nông thôn và vùng thành thị. Khi xây dựng luật phải có một trình tự, thủ tục để thực hiện hình thức xử phạt thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát, xác nhận, kiểm tra, theo dõi…” - luật sư Vũ ý kiến.

Theo lãnh đạo một UBND phường tại quận Gò Vấp, việc buộc người vi phạm giao thông lao động công ích rất đáng nghiên cứu thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể như lỗi nào thì bị phạt, phạt trong thời gian bao lâu và đơn vị nào có thẩm quyền để thực hiện hình thức phạt này.

Xử lý vi phạm giao thông “không có vùng cấm,
không có ngoại lệ”

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị 10 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả hành vi vi phạm về giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu phương thức cấp biển số có giới hạn và trả phí sở hữu biển số để tránh lãng phí tài sản công, nguồn tài nguyên biển số.

Bộ Nội vụ được giao nghiên cứu hướng dẫn đưa nội dung cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật về giao thông vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân.

Bộ Công an, Bộ GTVT nghiên cứu sửa quy định theo hướng tăng hình phạt với người vi phạm nồng độ cồn hoặc mắc lỗi nhiều lần như buộc họ lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe. Các đơn vị nghiên cứu thu hồi giấy phép lái xe với người sử dụng, nghiện ma túy.

Bộ GTVT chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với cơ sở đào tạo lái xe… PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm