Không cứu người gặp tai nạn bị xử lý sao?

(PLO)-  Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì có thể bị phạt đến hai năm tù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, trên Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Khởi tố nữ tài xế ô tô không cứu giúp người bị tai nạn giao thôngthông tin về việc Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết đã nhận được nhiều sự quan tâm, thắc mắc của bạn đọc.

Mong có nhiều người tốt

Trước đó, đêm 2-10-2022, Nguyễn Thị Hằng dừng ô tô 84L-4036 bên Quốc lộ 1A (đoạn qua thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) để đi vệ sinh. Cùng lúc đó, anh Nguyễn Công Phường điều khiển xe máy va chạm với ô tô do Hằng điều khiển. Vụ tai nạn khiến anh Phường ngã xuống, nằm trên làn xe cơ giới. Thời điểm đó, trên xe 84L-4036 còn có hai người (cùng trú huyện Yên Thành) chứng kiến sự việc.

Một vụ tai nạn giao thông trên đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM vào ngày 24-12-2022. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Một vụ tai nạn giao thông trên đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM vào ngày 24-12-2022. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Hằng đi vệ sinh xong thì lên xe điều khiển ô tô đi tiếp, không đưa nạn nhân đi cấp cứu, để mặc anh Phường ở hiện trường.

Sau đó, xe tải 49C-103… do Tưởng Văn Danh điều khiển chạy qua khu vực, cán qua người anh Phường làm nạn nhân tử vong trên đường đến bệnh viện.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh Trần Văn Anh (ngụ phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết nếu là một người đi đường, thấy người gặp nạn thì phải cứu giúp. Vì ngoài lòng tốt, đạo lý thì đây cũng là trách nhiệm của một công dân. “Tuy nhiên, với những người đưa người khác đi cấp cứu thì cần phải được pháp luật bảo vệ. Như trường hợp của tôi, trước đây tôi từng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông lại gặp nhiều phiền phức trong việc phục vụ điều tra kéo dài, mất thời gian và còn bị thân nhân người bị nạn hiểu lầm” - anh Văn Anh nói.

Còn theo chị Nguyễn Hồng Hạnh (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), khi thấy người gặp nạn, nếu có điều kiện thì phải đưa họ đi cấp cứu trước. Người ta thường nói cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp.

“Như trường hợp của tôi, giữa năm 2022 tôi bị tai nạn giao thông khi đi làm về khuya. Người chạy xe máy gây tai nạn bỏ chạy mất, tôi nằm một mình giữa đường bất tỉnh. May mắn nhờ có một ô tô đi ngang qua, thấy tôi nằm trên đường nên đã dừng lại và đưa tôi vô bệnh viện cấp cứu kịp thời. Mong rằng trong cuộc sống hằng ngày có nhiều người tốt như vậy” - chị Hạnh chia sẻ.

Mức phạt cho hành vi không cứu người gặp nạn

Hành vi không cứu giúp người bị nạn đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị xử phạt ra sao? Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Điều 132 BLHS quy định người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

“Trong tình huống trên, việc va chạm giữa ô tô và xe máy Hằng biết việc nạn nhân văng ra làn xe cơ giới, nếu không đưa nạn nhân đi cấp cứu thì ít nhất cũng cần phải đưa nạn nhân vào lề đường, tránh tình trạng nguy hiểm là các ô tô lưu thông không phát hiện mà cán phải. Tuy nhiên, người điều khiển ô tô đã không đưa người bị tai nạn đi cấp cứu và sau đó nạn nhân bị ô tô khác cán qua, dẫn đến hậu quả nạn nhân chết là vi phạm quy định tại Điều 132 BLHS” - luật sư Hoan nêu.

Về thắc mắc khi chứng kiến tai nạn thì người dân cần phải xử trí thế nào để không bị phạm tội, luật sư Hoan cho biết khi chứng kiến tai nạn nói chung, nếu người chứng kiến có khả năng thì cần thiết phải cứu giúp người bị nạn trong điều kiện cho phép của mình. Tránh trường hợp người cứu giúp không đủ khả năng (chuyên môn, kiến thức), vô tình làm cho tình trạng của nạn nhân nghiêm trọng hơn.

Với thắc mắc trong trường hợp đưa người đi cấp cứu, người điều khiển phương tiện có được ưu tiên nhường đường và vượt đèn đỏ không, luật sư Hoan cho biết theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, các phương tiện lưu thông không được phép vượt đèn đỏ, trừ các loại xe chuyên dụng có đèn, còi ưu tiên và đang thực hiện công vụ theo quy định. Tuy nhiên, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.

Việc chở người đi cấp cứu thuộc tình thế cấp thiết nhưng người điều khiển không nên vượt đèn đỏ bởi phương tiện không có cảnh báo ưu tiên nên các phương tiện khác không phân biệt được, dễ dẫn tới tai nạn. Trong trường hợp này vừa làm chậm tiến độ cấp cứu người bị thương vừa có thể gây ra vụ tai nạn khác.

Việc cần làm khi gặp người bị tai nạn giao thông

Trước đây, Bộ Công an có giải đáp liên quan đến việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông.

Bộ Công an cho biết Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn hoặc người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn phải báo ngay thông tin vụ tai nạn cho cơ quan công an, cơ quan y tế hoặc UBND nơi gần nhất.

Đồng thời, những người này có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền (cơ quan công an thụ lý, điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông).

Khi nhận được thông tin, cơ quan công an nhận trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn.

Việc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông tiến hành theo quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công an về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm