Ngày 22-4, dọc bờ biển Hà Tĩnh và khu vực biển Vũng Áng không còn phát hiện cá, tôm chết. Tuy nhiên, các hộ dân nuôi cá lồng bè vẫn chưa dám thả thêm cá giống nuôi.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban liên quan khẩn trương phối hợp với cơ quan công an điều tra nguyên nhân cá chết. Thống kê ban đầu ước tính thiệt hại đối với các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở các xã Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Ninh trên 3 tỉ đồng. Theo thông tin tôi nắm được, cá chết là do bị nhiễm độc nhưng chưa rõ loại độc tố gì, xuất phát từ đâu...”.
Formosa khẳng định không liên quan
Ngư dân Nguyễn Xuân Thành, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh cung cấp thông tin: Khi lặn biển, anh phát hiện có một đường ống đường kính khoảng 1 m từ khu vực dự án Formosa chạy thẳng xuống đáy biển.
Ông Khâu Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận An toàn vệ sinh môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, xác nhận: Formosa có ống ngầm xả thải. Đây là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ tất cả điểm trong dự án đổ về và đã được Bộ TN&MT cấp phép. Đường ống này dài 1,5 km, đường kính 1 m, trải dài từ bờ ra biển, vị trí sâu nhất cách mặt nước khoảng 17 m; có công suất xả 12.000 m3/ngày đêm. Các điểm xả thải đều lấy mẫu tự động hằng ngày và đều đạt tiêu chuẩn do Bộ TN&MT Việt Nam quy định.
Ông Kiệt khẳng định không có chuyện Formosa xả thải không đạt yêu cầu khiến cá chết. “Chúng tôi rất mong công an sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc. Trong việc này, phía công ty không thể tham gia tìm nguyên nhân được vì như thế sẽ không khách quan” - ông Kiệt nói.
Về việc Công ty Formosa nhập về gần 297 tấn hóa chất và có dùng hóa chất súc rửa đường ống, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng đại diện Formosa Hà Tĩnh, giải thích: “Nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng chưa đi vào hoạt động chính thức nên chưa xả thải. Hiện tại Formosa chủ yếu xả thải nước sinh hoạt của công ty. Chúng tôi có nhập một số hóa chất và có rửa đường ống nhưng khi rửa thì nước đó sẽ chảy vào bể nước thải để xử lý. Chúng tôi cũng có hệ thống quan trắc môi trường tự động, nước thải đã xử lý đạt chuẩn mới xả ra tự nhiên. Hệ thống xả thải của chúng tôi luôn được cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra”.
Đoàn công tác Tổng cục Thủy sản đã thị sát dọc biển và kiểm tra nơi các hộ nuôi tôm, cá bị chết sạch. Ảnh: SÔNG LAM
Nhiều cơ quan trung ương vào cuộc
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 22-4, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết vụ đang cùng Viện Nghiên cứu hải sản, cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường, Vụ Khai thác thủy sản lấy mẫu nước để tìm ra nguyên nhân cá chết tại Thừa Thiên-Huế. Sau đó đoàn sẽ tới Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh để kiểm tra trước khi có kết luận chính thức.
Trước đó, bộ trưởng Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc khuyến cáo người dân không được sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Các địa phương cần khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định, đồng thời hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi.
Ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường - Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), cho hay ông đã tiếp nhận thông tin người dân phản ánh cá chết là do nước thải của Công ty Formosa Vũng Áng xả ra biển. Bộ TN&MT đang phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh để làm rõ.
Phó thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân Chiều 22-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có chỉ đạo giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân khiến cá biển chết hàng loạt. Trong thông báo phát đi của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT hướng dẫn các tỉnh liên quan thu gom, xử lý số cá chết, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Bộ TN&MT khẩn trương triển khai đoàn công tác xác định nguyên nhân, tìm biện pháp xử lý triệt để. Các đơn vị phải đảm bảo vấn đề an toàn đối với sức khỏe người dân, tuyên truyền để người dân không ăn cá chết hoặc làm thức ăn chăn nuôi. |