Cá chết nhiều ngày, vẫn mù mờ nguyên nhân

Những ngày vừa qua, cá đã chết trắng trên khắp bờ biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị gây ra thiệt hại nặng nề, làm người dân hoang mang.

Ngày 21-4, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã đến Hà Tĩnh, Quảng Bình tìm nguyên nhân nhưng đoàn chỉ đi gặp các hộ dân nuôi cá, tôm và thị sát dọc bờ biển. Đoàn không vào kiểm tra khu vực dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), nơi bị nghi ngờ đã xả nước thải gây ô nhiễm, làm cá chết.

“Không tiếp cận được Khu kinh tế Vũng Áng”

“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt và kiến nghị những giải pháp khắc phục” - ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy hải sản, nói với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 21-4.

Theo ông Ly, việc cần thiết là tìm ra khu vực cá chết có gần với các khu công nghiệp không, liệu cá chết có phải do nước thải công nghiệp không. Trả lời thắc mắc về nghi ngờ của một số người dân cho rằng cá chết là do nước thải từ Khu kinh tế Vũng Áng, ông Ly nói đoàn không thể tiếp cận được khu này. “Đây là khu kinh tế có yếu tố nước ngoài, muốn vào phải có ý kiến của chủ tịch UBND tỉnh hoặc Thủ tướng. Ngày 22-4, đoàn sẽ làm việc với hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị nên phải vài ngày nữa mới có kết quả cụ thể về nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt” - ông Ly thông tin.

Nguy cơ ô nhiễm nước biển

Trả lời PV vào chiều 21-4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay đoàn công tác của Bộ sẽ làm việc với các địa phương, phối hợp lấy mẫu và xác minh nguyên nhân. “Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh huy động lực lượng thu gom, tiêu hủy cá chết để tránh ô nhiễm. Ngoài ra, người dân không được ăn cá đã bị chết để tránh bị ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe” - ông Tám cảnh báo.

Nhiều loại cá lớn cũng chết bất thường, dạt vào bờ biển miền Trung. Ảnh: ĐẮC LAM

Theo Thứ trưởng Tám, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản hướng dẫn người nuôi theo dõi hiện tượng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường của môi trường nuôi. Trong khi chưa xác định được nguyên nhân, người dân tạm thời chưa thả giống, không lấy nước biển vào bè, ao đầm nuôi ven biển vùng để tránh bị thiệt hại.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), nhận định: “Cá chết lan ra ở nhiều tỉnh là vấn đề nghiêm trọng. Đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT đang khảo sát từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị nhưng khả năng nước biển ô nhiễm là rất cao.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng triệu tập cuộc họp khẩn và chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân sự việc và tìm các biện pháp khắc phục nhanh nhất.

Cá biển chết bất thường, người dân điêu đứng

Hơn một tuần nay, người dân sống ven biển các xã Kỳ Ninh, Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Nam, phường Kỳ Phương, Kỳ Liên… thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) hoang mang khi cá nuôi trong lồng bè nổi phơi bụng. Cá biển cũng chết hàng loạt, dạt vào bờ thối rữa, gây ô nhiễm nhiêm trọng.

Ông Võ Hữu Duật (ở thôn 1 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) cho biết hai lồng bè thả cá sú, cá hồng… đang chuẩn bị thu hoạch thì bất ngờ chết sạch. Thiệt hại khoảng 110 triệu đồng. Nhiều hộ dân nghi ngờ nước biển bị ô nhiễm từ các nhà máy ở Khu kinh tế Vũng Áng xả ra nên di chuyển số cá còn sống xa 4-5 hải lý nhưng cũng không cứu được.

“Ở xã có năm hộ nuôi cá lồng bè tại khu vực biển Vũng Áng thì cá chết hết, thiệt hại hàng tỉ đồng” - ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh), nói.

Theo Sở NN&PTNT, cá nuôi trong lồng bè ở các xã nằm trong phạm vi Khu kinh tế Vũng Áng (thuộc thị xã Kỳ Anh) chết hàng loạt, thiệt hại đã 4,7 tỉ đồng.

Ngư dân ở Kỳ Anh cũng bắt gặp nhiều cá chết trên biển. Thiếu tá Nguyễn Thế Vị, Đồn phó Đồn biên phòng Đèo Ngang (thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh), cho biết không chỉ cá nhỏ mà cá mú, cá vược biển to 3-4 kg cũng chết không rõ nguyên nhân làm người dân hoang mang.

Ngoài ra, nhiều đầm tôm bơm nước biển vào cũng khiến tôm chết như Công ty TNHH Grow Best (ở phường Kỳ Phương, Kỳ Anh) bơm thêm nước biển vào hai ao tôm khiến tám tấn tôm chết hết.

Tiểu thương ở các chợ lớn tại tỉnh Quảng Bình cũng lao đao. Ngay như các mặt hàng cá xuất khẩu có giá trị lớn như cá mú, cá hồng, các đầu mối tiêu thụ cũng ngưng mua. “Ngày trước cá móm, cá liệt, cá chim trắng giá 120.000-150.000 đồng/kg nhưng nay còn 40.000-50.000 đồng/kg. Cá phèn, cá kình giá 50.000-70.000 đồng/kg nay chỉ còn 10.000 đồng/kg. Giá rớt thê thảm nhưng không ai mua, tôi phải cho gà, vịt ăn” - tiểu thương tên Nguyễn Thị Xảo nói.

Tương tự, các ngư dân đã bỏ nhiều chi phí kéo được cá về cũng không bán được, đành bán để làm thức ăn gia súc. Vì vậy, nhiều người đề nghị các cấp chính quyền sớm trả lời thỏa đáng về nguyên nhân cũng như việc xử lý các thiệt hại.

MINH QUÊ - ĐẮC LAM

Khả năng nhà máy thải chất độc

Theo quy luật tự nhiên, các loại cá sống tự nhiên ở biển, sông suối chết vì bị bệnh rất ít. Ngoài ra, cá ở biển theo mật độ thưa nên rất khó nhiễm bệnh, trừ khi cá bị nhiễm bệnh do tác động môi trường ô nhiễm. Nó khác với cá nuôi thường sinh sống trong mật độ dày, dễ nhiễm bệnh.

Hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ nhiều khả năng do bị ô nhiễm từ chất độc hại thải ra. Đặc biệt, cá chết hàng loạt ở khu vực phía nam Hà Tĩnh, bắc Quảng Bình không phải xảy ra lần đầu. Khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp nên khó tránh khỏi việc các nhà máy xả thải ra biển.

Do đó, để xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, cơ quan chức năng cần kiểm tra nguồn nước biển vùng san hô xung quanh khu vực có các nhà máy sản xuất. Nếu có hiện tượng san hô chết hàng loạt, chắc chắn cá chết do nhiễm chất thải độc.

TS LÊ THANH LỰU, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam

NAM GIANG ghi

Cần kiểm tra Khu kinh tế Vũng Áng xả thải

Được biết các công trình xử lý nước thải của dự án Formosa hay Khu nhiệt điện Vũng Áng được đầu tư bài bản. Tuy nhiên, trước thực trạng cá chết bất thường hàng loạt, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng phải kiểm tra việc xả thải của Khu kinh tế Vũng Áng để trả lời người dân chứ họ hoang mang quá.

Ông TRẦN ĐÌNH THÀNH, Bí thư Đảng ủy
phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh

Cá bị tác động lớn hoặc ngộ độc rất mạnh

Hiện tượng cá chết vừa qua cho thấy hết sức bất thường, đặc biệt là cá tự nhiên sống ở tầng sâu dưới đáy biển khơi như cá đuối, cá mú cũng chết trôi dạt đầy vào bờ.

Tôi nghĩ có áp lực gì đó tác động rất lớn gây chết tức thì hoặc xảy ra hiện tượng ngộ độc rất mạnh khiến cá tắt thở.

Ông LƯU QUANG CẦN, Phó Chi cục trưởng
Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm