Cá chết, ai tiếp sức cho dân vùng biển?

Việc cá biển chết bất thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đang khiến người dân ở miền Trung lo lắng, hoang mang. 

Ngư dân cần sự rõ ràng, công bằng

Những ngày này ở các làng chài quê tôi, nhiều chợ cá như Bình An ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc; chợ Lộc Hải nằm cạnh vịnh Lăng Cô ảm đạm vô cùng. Những chợ này vốn nổi tiếng hải sản tươi ngon vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc, giờ tất cả đều đìu hiu, ế ẩm. Tôi đã thấy nhiều dân chài buồn bã quanh quẩn trong làng bởi không thể ra khơi. Nhiều tiểu thương ở chợ năn nỉ rát họng vẫn không bán được cá, đành rơi nước mắt lẳng lặng gom cá về nhà.

Kết luận của Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Bộ NN&PTNT) cho thấy nguyên nhân dẫn tới cá ở Hà Tĩnh chết hàng loạt là do ngộ độc nước thải. Lòng ngư dân như bị xát muối. Chúng tôi luôn mong sớm rõ ai là thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước và nếu xác định được con người cụ thể, hành vi cụ thể thì cần phải xử lý thật nặng, thật nghiêm. Song song đó, cần phải có những động thái tức thì để hỗ trợ. Bản thân ngư dân lẫn tiểu thương, thương lái những ngày này rất điêu đứng vì tất cả loại cá đều bị người tiêu dùng chụp mũ “nhiễm độc”. Vậy ai, cơ quan nào sẽ trực tiếp giúp ngư dân kiểm định được loại hải sản nào nhiễm độc hay an toàn? Ai sẽ là người đứng ra kết nối truyền thông để người tiêu dùng hiểu được đâu là hải sản không nhiễm độc để hỗ trợ tiêu thụ cá và các loại hải sản không có độc tố?

Trong lúc chờ đợi Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và Sở TN&MT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế lấy mẫu tìm hiểu nguyên nhân do đâu cá chết, ngư dân các tỉnh miền Trung cần được đối xử công bằng, cần được hỗ trợ tiêu thụ hải sản an toàn. Các đợt kiểm tra, các cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục là cần thiết nhưng tình trạng làm ăn, kinh doanh của bà con vùng biển cũng cần được tiếp sức ngay, nếu không sẽ gây nhiều hệ lụy đời sống.

PHÚ XUÂN (2/183 Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, TP Huế)

Cá chết tại thôn An Cư Đông Đông, thị trấn Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế . Ảnh: P.Xuân

Cần sớm trả lời: Độc tố từ đâu ra?

Cá chết bắt đầu được phát hiện ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) từ ngày 7-4, rồi tiếp theo cá chết dạt vào bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhưng dường như cơ quan chức năng vào cuộc quá chậm. Người dân được khuyến cáo rằng cá chết là do độc tố và không nên ăn cá chết bất thường. Vì sao có độc tố ở biển? Chưa có câu trả lời thỏa đáng. Những ngày này, giá cá biển ở chợ các tỉnh trên rớt thê thảm. Dù rất thương ngư dân nhưng chúng tôi cũng ngại ăn cá biển bởi sợ... độc.

Chúng tôi kiến nghị ngay lúc này, chính quyền các tỉnh có cá, tôm chết cần cử lực lượng sớm thu gom cá, tôm chết tiêu hủy; đồng thời có lực lượng và thiết bị kiểm tra miễn phí giúp ngư dân xác nhận số tôm, cá mà họ vừa đánh bắt được an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Chính quyền cũng cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ những hộ dân nuôi cá lồng và đầm tôm bị thiệt hại để sớm khôi phục sản xuất.

Chưa bao giờ người dân miền Trung chúng tôi phải chứng kiến cảnh cá chết nhiều trên diện rộng thế này. Theo dõi trên báo chí, tôi thấy có nghi vấn nước thải từ Khu kinh tế Vũng Áng xả thải gây ô nhiễm. Thực hư thế nào, chúng tôi cần có câu trả lời chính xác, cụ thể. Phải xác định đây là đại họa cho ngư dân miền Trung và vùng biển nói chung, vì vậy đoàn công tác đã vào được khu kinh tế này rồi thì cần phải làm rõ dư luận có hay không đường ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng.

NGUYỄN HOÀNG LÂM (Phường Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

Ra quân bắt chó thả rông, không rọ mõm

(PLO)- Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM tiếp tục ra quân bắt giữ chó thả rông, không rọ mõm, xử phạt thêm nhiều trường hợp chủ nuôi vi phạm.

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.