Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị nhà đài “chọc quê”?

Tất nhiên Đàm Vĩnh Hưng không bị nêu đích danh đầy đủ tên họ, nhưng chỉ cần xuất hiện nhân vật ngôi sao nổi tiếng với chuyện lùm xùm xung quanh vụ mất cắp chiếc nhẫn trị giá gần 4 tỉ đồng là cả thiên hạ đều đã “biết đấy là ai”.
Mô tả ảnh.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Vụ việc có thật (bị trộm 2 chiếc nhẫn kim cương, 9.000 USD và 5 triệu đồng tiền mặt - tổng trị giá hơn 200.000 USD) liên quan đến ca sĩ họ Đàm thì báo chí đã đăng tải khá nhiều hồi tháng 8/2009, cho đến nay vẫn chưa tìm ra kẻ trộm. Xung quanh sự vụ, nhiều luồng thông tin trái chiều đã trở thành điều tiếng đối với Đàm Vĩnh Hưng: Ca sĩ có thể nhiều tiền đến thế được không? Lại là một chiêu PR khoe của chăng? Nhẫn trị giá tiền tỉ sao lại để trên mặt bàn?...

Nhưng như trường hợp hoa hậu Hà Kiều Anh có lần bị mất 20.000 USD ở Phú Quốc, thì cũng phải đến hơn 3 năm sau mới đòi lại được tiền. Thực hư vụ việc mất nhẫn của Đàm Vĩnh Hưng thế nào, vẫn phải chờ điều tra từ phía Công an TP Hà Nội.

Sự việc này chỉ là một vụ án dân sự, vậy nó có phải là một hiện tượng xã hội giống như các thực trạng xã hội khác đã được phản ánh trong chương trình “Gặp nhau cuối năm”?

Nhiều năm gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công chương trình hài “Gặp nhau cuối năm”. Vì dồn nén toàn bộ những hiện trạng xã hội gây bức xúc trong một năm để phê phán, đả kích trong một chương trình nên “Gặp nhau cuối năm” khá thành công, khiến khán giả cười thỏa thích với sự lột tả sống động những chuyện tréo ngoe của nhiều ban ngành, cá thể trong các guồng máy xã hội, gây tác động đến đa số người dân: Giáo dục, Giao thông, Y tế, Kinh tế, Điện, Nước, các vấn đề của đời sống thành thị, nông thôn hiện đại…

Chương trình thành công đến nỗi bây giờ muốn mua vé vào hội trường xem nhà đài sản xuất (bản đầy đủ, chưa cắt cúp) thì mất cả tiền triệu. Điều đó cho thấy sức nóng rừng rực của cái cười châm biếm đã lan tỏa sâu rộng vào khắp cộng đồng người dân. Và ai cũng hiểu nếu "được" trở thành nhân vật của chương trình thì hậu quả sẽ thế nào.

Nhiều báo mới đây đã thống kê lại rằng "sự kiện văn hóa" của năm 2009 chính là việc mất nhẫn tiền tỉ của một ngôi sao.

Mô tả ảnh.

Chương trình Táo quân 2010

Người ta băn khoăn tự hỏi, vậy tại sao bao nhiêu chuyện lùm xùm của giới văn nghệ năm qua không “được” tính sổ trong dịp cuối năm này? Như cuộc thi Hoa hậu quý bà, Hoa khôi trang sức, vụ cãi nhau tay đôi trên mặt báo của nhạc sĩ Hà Dũng và ca sĩ Mỹ Tâm…?

Đấy mới chỉ bàn đến tính điển hình của sự vụ. Mặt khác, cười hiện trạng xã hội (liên quan đến nhiều người) mục đích là để cơ quan hoặc cá nhân bị đả kích tìm ra phương án gì mới, hướng đến việc sửa chữa, thay đổi trong năm tới. Còn cười một sự vụ chỉ liên quan đến đời tư (có tính xác thực) của một cá nhân thì nhằm cải tạo cái gì?

Nếu như phía cơ quan điều tra đã có kết luận rõ ràng vụ mất nhẫn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là giả thì sự việc sẽ hoàn toàn đổi khác. Khi đó, có thể gọi tên chính xác đây là chiêu thức PR nhố nhăng cho bản thân hay lối khoe của kiểu trọc phú rất đáng lên án, đặc biệt đối với người nổi tiếng – người của công chúng.

Bình luận về sự kiện này, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng nếu nhà đài coi sự việc của anh như một sự chọc cười thì anh không có gì phải nể nang nữa.  

Liệu có chăng việc cảm tình riêng tư hoặc ác cảm cá nhân (của người biên tập, sáng tác kịch bản chương trình “Gặp nhau cuối năm”) với một nghệ sĩ nào hay ngành nào? Hoặc nhà đài đã “nhầm lẫn” khi đem chuyện riêng của một cá nhân vào chương trình tổng kết các sự kiện xã hội như đó là một hiện trạng cần phải phê phán? Nhìn lại sự việc, liệu ca sĩ họ Đàm đã bị nhà đài “chọc quê” hay đây là tình tiết thiếu khách quan của Gặp gỡ cuối năm 2010?
Theo Minh Tuệ (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm