Ca tai biến sau tiêm chủng đầu tiên đã được bồi thường

Cũng theo ông Phu, hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất các thủ tục để bồi thường cho trường hợp này theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về việc bồi thường cho người bị thiệt hại khi sử dụng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch.

Ông Phu cho biết nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, được thực hiện ngay chứ không chờ thông tư hướng dẫn. Cả cơ quan y tế và gia đình đều không  ai mong muốn xảy ra tai biến nhưng  trong tiêm chủng vẫn có những rủi ro dù tỉ lệ rất thấp. Việc áp dụng bồi thường với mong muốn hỗ trợ phần nào cho gia đình trong trường hợp không may xảy ra.

"Trường hợp của em bé này được thực hiện đúng theo Nghị định 104. Ngoài chi phí do khám chữa bệnh, chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân em bé sẽ được Nhà nước bồi thường 100 triệu đồng bù đắp tổn thất về tinh thần và các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định" - ông Phu cho biết thêm.

Theo ông Phu, quy định về việc bồi thường khi sử dụng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là rất nhân văn bởi vừa bảo đảm hỗ trợ, bồi thường phần nào cho những người, gia đình người bị thiệt hại (gặp tai biến) do tiêm chủng bắt buộc, vừa nâng cao trách nhiệm của người làm công tác tiêm chủng.

Trong năm 2016, cả nước ghi nhận một số ca phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng, trong đó có ba ca sau tiêm vaccine BCG (phòng lao), năm ca sau tiêm viêm gan B sơ sinh, 11 ca  sau tiêm vaccine Quinvaxem và vaccine bại liệt, một ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine sởi + rubella.

 “Tất cả vaccine trước khi được đưa ra sử dụng đều được kiểm nghiệm lại. Tuy nhiên, thực tế không có vaccine nào là an toàn 100%. Vì thế, thi thoảng vẫn có những trường hợp xảy ra tai biến nghiêm trọng, thậm chí tử vong sau tiêm. Nguyên nhân có thể do cơ thể trẻ quá mẫn với vaccine dẫn đến sốc phản vệ, trẻ có bệnh nền sẵn như tim bẩm sinh, viêm phổi... nhưng khi khám sàng lọc không phát hiện được” - ông Phu chia sẻ. 

Theo Nghị định 104, tất cả trường hợp xảy ra tai biến nặng (do hội đồng chuyên môn tỉnh xác định) hoặc tử vong đều sẽ được Nhà nước bồi thường, kể cả nguyên nhân do sốc phản vệ hay bản thân trẻ có bệnh sẵn có... Nếu sau đó xác định nguyên nhân là do lỗi thực hành tiêm chủng hay chất lượng vaccine không đảm bảo thì cá nhân, tổ chức liên quan có trách nhiệm bồi hoàn lại tiền cho Nhà nước.

Nghị định này cũng quy định các điều kiện để đảm bảo an toàn tiêm chủng, quy trình tiêm chủng… Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức điều tra và trong vòng năm ngày phải họp hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân dẫn đến tai biến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới