Sau 13 năm nội chiến Syria, chiến thắng của lực lượng nổi dậy trước chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad cuối tuần rồi nhận được sự đón mừng của rất đông người dân. Ông al-Assad và gia đình đã chạy sang Nga và các bên ở Syria đã và đang xúc tiến chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Đây là thời điểm đầy hy vọng đối với Syria – GS Gregory Treverton chuyên ngành quan hệ quốc tế và khoa học không gian tại ĐH South California (Mỹ).
Quyết tâm ngay từ đầu
Trong bài phát biểu toàn dân sau khi lực lượng đối lập tiến vào Damascus ngày 8-12, ông Abu Mohammad al-Jolani - Lãnh đạo tổ chức Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm chính lãnh đạo phe đối lập ở Syria – khẳng định rằng “chiến thắng này là chiến thắng của toàn thể quốc gia Hồi giáo” và “đánh dấu một chương mới trong lịch sử của khu vực”. Ông al-Jolani tuyên bố sẽ phục hồi Syria sau mười mấy năm nội chiến và “không một hộ gia đình nào không bị ảnh hưởng”.
Trong ngày 8-12, Liên minh các lực lượng nổi dậy Syria cho rằng cần 18 tháng để "thiết lập môi trường an toàn, trung lập và bình ổn" trước khi tổ chức bầu cử để người dân chọn lãnh đạo mới.
Phần chính phủ Syria, trong khi Tổng thống al-Assad rời bỏ đất nước thì Thủ tướng Mohammad Ghazi al-Jalali đã thể hiện hợp tác với lực lượng mới kiểm soát thủ đô, cam kết chuyển giao quyền lực một cách “suôn sẻ và có hệ thống" và bảo tồn "các cơ sở nhà nước". Tuyên bố sẵn sàng hợp tác với những lãnh đạo mà người dân lựa chọn, Thủ tướng al-Jalali kêu gọi người dân "suy nghĩ một cách lý trí về đất nước và chìa tay với phe đối lập, những người khẳng định sẽ không làm hại bất kỳ ai tại Syria".
Gặp xuyên đêm bàn chuyển giao
Đến ngày 9-12, lãnh đạo đối lập al-Jolani, Thủ tướng al-Jalali và Phó Tổng thống Syria Faisal Mekdad có cuộc gặp xuyên đêm thảo luận về việc chuyển giao, theo hãng tin Reuters.
Ông al-Golani cho biết Thủ tướng al-Jalali sẽ tiếp tục điều hành và giám sát các cơ quan nhà nước cho đến thời điểm bàn giao chính quyền. Thủ tướng al-Jalali nói với kênh truyền hình Al Arabiya rằng phía chính phủ và lực lượng nổi dậy đang tích cực đàm phán và việc bàn giao có thể mất nhiều ngày để thực hiện. Ông “sẵn sàng nhượng lại quyền lực của mình ngay khi được yêu cầu” với “ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân Syria".
“Tôi mong đợi các cơ quan công quyền, các thể chế và bộ máy nhà nước sẽ được chuyển tiếp trong hòa bình và đảm bảo sự an toàn và an ninh cho tất cả công dân” - Thủ tướng al-Jalali nói với Al Arabiya.
Chính quyền chuyển tiếp ở Syria sẽ do ông Mohamed al-Bashir - thành viên lực lượng HTS lãnh đạo, theo kênh Al Jazeera. Lãnh đạo phe đối lập al-Golani cũng cam kết sẽ tái thiết đất nước sau nội chiến Syria.
Người dân Syria đã có nhiều đêm không ngủ. Ngay khi lực lượng nổi dậy về đến thủ đô, một bộ phận lớn người dân đổ ra đường chụp ảnh, nhảy múa, mừng vui. Nhiều người dân ở các TP khác cũng kéo về thủ đô để ăn mừng. Có người cho biết đây là lần đầu tiên họ "thực sự cảm thấy tự do" sau hơn một thập niên sống trong sợ hãi, lo lắng vì nội chiến. Liên Hợp Quốc đã ca ngợi "cơ hội lịch sử" cho Syria xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Người dân Syria tị nạn ở các nước có thể trở về?
Hiện có ít nhất 5,5 triệu người Syria đang tị nạn ở các quốc gia láng giềng bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Ai Cập, và khoảng 4,5 triệu người được cho là đã sang châu Âu. Hướng đi sắp tới của những người này phụ thuộc vào diễn biến chính trị sau nội chiến Syria.
Các nước đang chấp nhận người Syria sinh sống muốn đưa họ về lại nước này. Ngay cả trước khi chế độ Bashar al-Assad sụp đổ, nhiều nước châu Âu đã bắt đầu thúc đẩy việc chỉ định Syria là quốc gia an toàn để cho phép những người tị nạn trở về.
Tờ Der Spiegel đưa tin rằng Đức và Áo đã dừng xử lý thị thực của người dân Syria sau khi Damascus rơi vào tay các nhóm đối lập vũ trang. Đức có hơn 47.000 đơn xin tị nạn đang chờ xử lý. Hiện có khoảng 900.000 công dân Syria đang sinh sống tại Đức.
Áo cũng đình chỉ mọi yêu cầu tị nạn từ công dân Syria. Bộ Nội vụ Áo cho biết sẽ chuẩn bị "trục xuất và hồi hương có trật tự". Tính đến đầu năm 2024, có khoảng 95.000 công dân Syria đang sinh sống tại Áo. Tính đến cuối tháng 11, có khoảng 13.000 đơn xin tị nạn đang được xem xét.