Các bị cáo VNCB đòi truy hồi hàng ngàn tỉ đồng

Ngày 23-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng (NH) TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần tranh luận. Trước đó, trong tiếng nấc sau khi được bảy luật sư (LS) bào chữa, bị cáo Danh đã bổ sung nội dung mong HĐXX xem xét thu hồi nhiều khoản tiền.

Ông Danh: Nhiều người đã cảnh báo…

Cụ thể ông Danh nói: “Đằng sau đề án tái cơ cấu NH thì có nhiều con số khiến tôi không ngờ đến. Nhiều người đã cảnh báo tôi nhưng tôi không tin”. Theo bị cáo này, ông không trốn tránh gì và đã bỏ rất nhiều tiền của vào NH VNCB với mục đích trong sáng. Từ đó ông mong tòa xem xét bối cảnh, làm rõ sự việc và thu hồi những khoản tiền đã chi trả sai.

LS của bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) cho rằng nếu thân chủ cố ý làm trái hay để tư lợi thì thật khó tin.

Phần bào chữa bổ sung, bị cáo này xin làm rõ một số điểm. Cụ thể, trong giai đoạn 1 hay 2 thì bị cáo và các bị cáo khác đều thấy có nhiều điểm không phù hợp trong số liệu. Như số liệu về tài chính của VNCB, đây là số liệu VNCB đưa ra nhưng bản thân bị cáo không hiểu khoản âm vốn điều lệ của NH. Ngoài ra còn nhiều khoản tiền treo từ thời của bị cáo lại không thấy trong số liệu…

“Số tiền gửi trên thị trường 2, bị cáo cũng thấy số liệu khác con số trước đó. Bị cáo cũng rất khó hiểu vì sao vốn điều lệ lại âm nhanh như vậy. Các khoản lỗ tiếp sau thì không phải do bị cáo” - ông Mai trình bày.

Bị cáo Mai Hữu Khương (trái) bị dẫn giải về trại tạm giam. Ảnh: QUỐC VŨ

VNCB phải trả lại 4.500 tỉ đồng?

Theo bị cáo Mai, khoản tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn đã quay về VNCB và nếu không trả cho cổ đông thì cần phải làm rõ, vì nó đã ở trong VNCB chứ không ở đâu khác.

Một LS của ông Danh cũng cho là khoản tiền trên không phải vốn điều lệ, vì VNCB vẫn chưa được tăng từ 3.000 lên 7.500 tỉ đồng. Tháng 3-2015, NH Nhà nước đã xác định rõ vốn điều lệ tại thời điểm VNCB bị mua với giá 0 đồng chỉ là 3.000 tỉ đồng. Như vậy trong mọi trường hợp VNCB không được phép hạch toán số tiền này vào vốn điều lệ của mình.

4.500 tỉ đồng có nguồn gốc từ 22 cá nhân bên ngoài nộp vào VNCB với mục đích tăng vốn điều lệ, đây không phải vốn khác nằm trong vốn chủ sở hữu. Vì vậy số tiền này phải nằm trong tổng nợ phải trả của VNCB. Từ phân tích này, LS đề nghị tòa bác quan điểm cho rằng VNCB bị âm vốn chủ sở hữu thì không phải hoàn trả khoản tiền 4.500 tỉ đồng cho những người nộp tiền mua cổ phần.

Bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT VNCB phụ trách tài chính) cũng mong HĐXX xem xét việc tăng vốn cho NH thì VNCB được gì và không được gì. Theo bị cáo, ông Danh đã nhiều lần xin giãn tiến độ tăng vốn nhưng không được. Trong cùng một lúc mà NH phải tăng vốn từ 3.000 lên 7.500 tỉ đồng thì áp lực quá lớn, khi không làm được thì đành phải làm sai.

Khương nói ông Danh đã nộp tiền tăng vốn nhưng lại không nhận được giấy chứng nhận sở hữu cổ phần, NH không tăng vốn. Bây giờ tiền đó đã được sử dụng cho VNCB và không trả lại cho cổ đông, điều này là không đúng.

Mấy ngàn tỉ đồng chưa được xem xét?

Cạnh đó, bị cáo Khương cũng cho là có nhiều con số chưa được HĐXX xem xét đến như khoản tiền trong NH giai đoạn bị cáo Danh và Mai tiếp quản. “Nếu không có các khoản tiền từ anh Danh nộp vào để cứu thì NH sẽ không thể sống được. Các bị cáo đều bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự việc liên quan đến bà Hứa Thị Phấn” - bị cáo Khương giải thích.

Bị cáo Khương trình bày: Lúc ông Danh tiếp quản TRUSTBank từ bà Phấn thì NH này đang nợ 22.000 tỉ đồng. Ông Danh bắt buộc phải trả, trong đó nợ nhóm bà Phấn và Phương Trang là 18.000 tỉ đồng. Ông Danh phải dùng tất cả nguồn lực của mình để chăm sóc khách hàng, không để họ bị mất quyền lợi. Vì lúc này TRUSTBank là một trong chín NH bị giám sát đặc biệt. 22.000 tỉ đồng là nguồn tiền không bền vững. Nếu không chăm sóc khách hàng thì họ sẽ rút tiền dẫn đến NH sẽ sụp đổ. Bà Phấn nhận chuyển nhượng NH nhưng không cho tăng trưởng tín dụng thì NH sẽ phá sản; nếu không cho vay thì mỗi năm NH sẽ lỗ 2.300 tỉ đồng. Tính sơ bộ, trong hai năm kể từ ngày tiếp quản, VNCB lỗ gần 5.000 tỉ đồng.

Bị cáo này cho rằng ông Danh đã bỏ vào NH rất nhiều tiền, lên đến mấy ngàn tỉ đồng nhưng không được xem xét làm tang chứng, vật chứng của vụ án. Cụ thể, tổng số tiền mà ông Danh chi chăm sóc khách hàng hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó 2.760 tỉ đồng trả cho nhóm ông Trần Quí Thanh, trả cho bà Phấn 3.600 tỉ đồng. Bị cáo này kết tổng cộng là 18.000 tỉ đồng ông Danh phải giải quyết hậu quả sau khi tiếp quản TRUSTBank. Từ đó bị cáo Khương cũng đề nghị HĐXX thu hồi toàn bộ số tiền do phạm tội mà có để khắc phục hậu quả cho VNCB.

TAND TP.HCM và Hà Nội phối hợp khi xử các đại án

Trong phần bào chữa ngày 23-1, HĐXX chấp nhận cho LS Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo Phạm Việt Thép (nguyên giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại JSC An Phát) trong buổi sáng. Vì hôm nay, 24-1, LS này tham gia phiên tòa tại Hà Nội trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh, em trai ông Đinh La Thăng và đồng phạm. Chủ tọa cũng có thông báo đến các LS rằng HĐXX chỉ chấp nhận đề nghị của LS cho bào chữa trước khi có đơn đính kèm theo chứng cứ hợp lý như trên.

Trước đó, phần xét hỏi HĐXX cũng từng thông báo việc các LS vừa tham gia vụ án này và vụ án ông Trịnh Xuân Thanh tại Hà Nội thì TAND TP.HCM và TAND TP Hà Nội đã có kế hoạch phối hợp, đảm bảo việc bào chữa bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo. Theo đó, khi cả hai vụ án cùng khai mạc ngày 8-1, các LS như Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp dự tòa tại Hà Nội. Sau khi bào chữa xong thì hai LS này đã có mặt tại TP.HCM tham gia phiên xử này. Hôm 22-1, TAND TP Hà Nội tuyên án thì LS Hoài vắng mặt để tham gia đại án NH…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới