Sau 10 ngày xét xử, ngày 22-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bắt đầu phần tranh luận. Các bị cáo phải đứng nghe kiểm sát viên đọc bản luận tội, trừ Phạm Công Danh, Trầm Bê và hai bị cáo khác được ngồi vì lý do sức khỏe.
Người dân mất niềm tin với ngân hàng
Phần mở đầu đại diện VKSND TP.HCM nêu: “Thời gian gần đây địa bàn TP xảy ra nhiều vụ án ngân hàng, gây thiệt hại lớn về vật chất và ảnh hưởng tới lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng. Vụ án này là một điển hình nên cần xử nghiêm để thể hiện tính răn đe của pháp luật. Việc đưa ra xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước...”.
Theo VKS, bị cáo Danh và đồng phạm đã dùng hơn 6.000 tỉ đồng của VNCB để thế chấp tại ba ngân hàng Sacombank, BIDV, TP Bank bảo lãnh cho các công ty riêng vay, rồi chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản để Danh sử dụng. Cụ thể, ông Danh trực tiếp gặp lãnh đạo các ngân hàng BIDV, Sacombank và móc nối với bị cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên tổng giám đốc Quỹ đầu tư Lộc Việt) để dùng 20 công ty vay vốn, rút tiền của các ngân hàng. Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) dùng tiền huy động được từ dân gửi vào ngân hàng để rút tiền. Những việc làm này có sự giúp sức của Mai Hữu Khương và các bị cáo khác. Hành vi của Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 6.600 tỉ đồng cho VNCB.
Còn bị cáo Trầm Bê là người giúp sức cho ông Danh cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Bê biết Danh không vay vốn tại VNCB được nên đã chỉ đạo bị cáo Phan Huy Khang (nguyên tổng giám đốc Sacombank) cho Danh vay 1.800 tỉ đồng. Bê bỏ mặc cho Danh sử dụng tiền gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo cho rằng Danh dù không vay vốn được tại VNCB nhưng có thể vay được vốn tại ngân hàng khác.
Bị cáo Trầm Bê được VKS xác định là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh. Ảnh: QUỐC VŨ
Cũng theo VKS, nhận thức của bị cáo Bê chưa đúng luật bởi VNCB không được bảo đảm cho các công ty của Danh vay. Chính vì nhận thức không đúng nên Trầm Bê có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Danh. Bị cáo Khang đã chỉ đạo cho các chi nhánh làm việc với Khương để vay vốn, gây ra hàng loạt sai phạm cho vay. Bị cáo Khang khai làm theo chỉ đạo từ Trầm Bê nhưng hồ sơ đủ cơ sở để khẳng định Khang đã cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng...
Từ đó, VKS đề nghị tòa phạt Danh 20 năm tù (tổng hợp thêm mức án ở giai đoạn 1 là 30 năm tù), bị cáo Trầm Bê từ năm đến sáu năm tù. Các bị cáo là Mai từ 13 đến 15 năm tù, Khương từ 11 đến 13 năm tù, Khang và Hoàng Đình Quyết từ bốn đến năm năm tù. Bị cáo Nguyễn Việt Hà bị đề nghị xử phạt từ sáu đến bảy năm tù. Một số bị cáo khác có vai trò hạn chế được đề nghị mức án từ hai đến ba năm án treo.
Sẽ thu hồi 6.000 tỉ từ ba ngân hàng cho VNCB?
Cạnh đó, VKS cũng đề nghị thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng từ ba ngân hàng Sacombank, TP Bank, BIDV để trả lại cho VNCB. Vì theo VKS, nếu không có sự giúp sức của các ngân hàng, Danh sẽ không thể vay được tiền bằng hồ sơ khống và VNCB sẽ không bị thiệt hại. Bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn lại hơn 6.000 tỉ đồng cho ba ngân hàng trên. Bị cáo Hà buộc phải nộp lại 66,8 tỉ đồng thu lợi bất chính. Ngoài ra, VKS còn đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân tại các ngân hàng...
Sau khi nghe VKS luận tội, ông Danh cho rằng số tiền trên bản thân bị cáo và các thuộc cấp không sử dụng riêng mà phục vụ cho ngân hàng và nằm tại Ngân hàng VNCB nên muốn HĐXX làm rõ.
Luật sư (LS) bào chữa cho ông Danh đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh dẫn đến hành vi sai phạm. Nếu quy hồi dòng tiền thì mức độ thiệt hại của VNCB không nhiều như thế, chẳng hạn như khoản tiền VNCB tăng vốn không thành, tiền chuyển cho bà Hứa Thị Phấn…
Theo LS, việc chia vụ án làm hai giai đoạn khiến nhiều yếu tố dẫn đến thiệt hại chưa được xem xét. Có nhiều khoản tiền có hồ sơ chứng từ, hợp lệ, hợp pháp có thể đưa ra để khắc phục chưa được xem xét đầy đủ. Theo LS, có căn cứ thể hiện ông Danh không dùng tiền cho riêng mình mà dùng để hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng, chi chăm sóc khách hàng và đây chính là mấu chốt để quy hồi tiền. Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB 0 đồng do âm vốn chủ sở hữu là chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng, làm ảnh hưởng đến việc xem xét quy hồi dòng tiền.
Một LS khác của ông Danh đề nghị HĐXX làm rõ bị cáo cần tiền làm gì mà vay nhiều thế khi không phải dùng cho việc riêng. Về khoản tiền tăng vốn điều lệ ngân hàng 4.500 tỉ đồng, LS này cho rằng VNCB đã hòa vào dòng tiền chung. Bởi đó là tiền của cổ đông góp vốn vào nhưng chưa được tăng vốn. “Tiền của các bị cáo nộp để tăng vốn nếu không trả lại được cho các bị cáo thì cũng phải được xem xét cấn trừ vào tổng thiệt hại mà các bị cáo gây ra” - LS này nói.
LS của ông Danh chốt lại: Với diễn biến như hiện nay thì người bị hại là VNCB đang được hưởng lợi kép...
Chủ tọa “cắt” vì luật sư trình bày lố Ba LS của bị cáo Danh trong phần bào chữa đã bị chủ tọa phiên tòa lưu ý là vượt quá phạm vi vụ án khi trình bày lan sang chứng cứ ở giai đoạn 1. Đỉnh điểm là chủ tọa đã mời một LS về chỗ sau khi nhắc nhở đến lần thứ ba. Theo chủ tọa, HĐXX đã hết sức lưu ý các LS về phạm vi bào chữa trong vụ án này là không vượt quá con số thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng. Trước đó, trong bản luận tội, VKS đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên căn nhà trên đường An Dương Vương (là một trong hai bất động sản của ông Trầm Bê bị kê biên trong quá trình điều tra), trả lại cho chị vợ ông Bê do không liên quan đến vụ án. |