Sáng 23-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần tranh luận.
Luật sư của bị cáo Phan Thành Mai (Nguyên TGĐ VNCB) là người bào chữa đầu tiên. Luật sư nói nếu bị cáo này cố ý làm trái hay để tư lợi cá nhân thì thật sự khó tin. Vì bị cáo Mai có thân nhân rất tốt, có học vấn cao, gia đình theo truyền thống giáo dục... Luật sư còn đọc tại tòa những bức thư của gia đình bị cáo với mong muốn Mai nhanh được trở về với gia đình, chăm sóc con và trở về với xã hội.
Luật sư đang bào chữa tại phiên tòa
Tự bào chữa, bị cáo Mai xin HĐXX làm rõ thêm một số điểm. Trong giai đoạn 1 hay giai đoạn 2 thì bị cáo và các bị cáo khác đều thấy có nhiều điểm không phù hợp trong số liệu. Chẳng hạn số liệu về tài chính của VNCB.
Theo Mai, đây là số liệu VNCB đưa ra nhưng bản thân không hiểu về khoản âm vốn điều lệ của ngân hàng. Vì bị cáo nhớ con số cuối cùng mình biết có sự khác biệt lớn. Ngoài ra, còn nhiều khoản treo từ thời của bị cáo lại không thấy trong số liệu…
Ngoài ra số tiền gửi trên thị trường 2, bị cáo cũng thấy số liệu khác với số liệu bị cáo được biết trước đó. Bị cáo cũng rất khó hiểu vì sao vốn điều lệ lại âm nhanh như vậy. Các khoản lỗ tiếp sau thì không phải do bị cáo. Bị cáo Mai cũng nêu rõ khoản tiền 4.500 tỉ tăng vốn đã quay về VNCB và nếu không trả về cho cổ đông thì cần phải làm rõ. Vì nó đã ở trong VNCB chứ không ở đâu khác.
Còn bị cáo Mai Hữu Khương cũng cho là có nhiều con số chưa được HĐXX xem xét đến như khoản tiền trong ngân hàng giai đoạn anh Danh, anh Mai tiếp quản. “Nếu không có các khoản tiền từ anh Danh nộp vào để cứu ngân hàng thì ngân hàng sẽ không thể cứu vãn được. Các bị cáo ở đây đều bị ảnh hưởng rất nhiều từ sự việc liên quan đến bà Hứa Thị Phấn” - bị cáo Khương nói.
Bị cáo cũng mong HĐXX xem xét tăng vốn cho ngân hàng thì VNCB được gì và không được gì. Rõ ràng ông Danh đã nhiều lần xin giãn tiến độ tăng vốn nhưng không được. Trong cùng một lúc mà áp lực ngân hàng phải tăng vốn từ 3.000 lên 7.500 tỉ thì áp lực quá lớn. Và không làm được thì đành phải làm sai.
Khương cho rằng ông Danh đã nộp tiền tăng vốn nhưng lại không nhận được giấy chứng nhận sở hữu cổ phần, ngân hàng không tăng vốn. Giờ tiền đó đã được sử dụng cho VNCB và không trả lại cho cổ đông. Điều này là không đúng. Bị cáo thấy rằng ông Danh đã bỏ vào ngân hàng rất nhiều tiền. Nhiều khoản tiền lên đến mấy ngàn tỉ đã không được xem xét làm tang chứng, vật chứng của vụ án như khoản ông Danh trả cho bà Phấn 3.661 tỉ đồng, hay khoản trả cho gia đình ông Trần Quý Thanh…