Các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, trách nhiệm ở đâu?

(PLO)- Các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những nguyên nhân, địa chỉ trong việc chậm các chương trình mục tiêu quốc gia và đề nghị sớm có những điều chỉnh cho phù hợp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-10, Quốc hội (QH) thảo luận việc triển khai các nghị quyết của QH về ba chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể là chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

thoat-ngheo-do-chi-nghia-phuyen-5599-7598.jpeg
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Không muốn thoát nghèo vì hết nghèo... hết hỗ trợ

Sau khi nghe báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của QH, nhiều đại biểu (ĐB) đánh giá cao các thành tựu đã đạt được của ba chương trình nhưng cũng chỉ ra những việc cần phải làm, từ tâm lý, nỗ lực của đối tượng trong chương trình đến thực chất triển khai, tình trạng chậm giải ngân, chậm sửa đổi, ban hành thể chế để thực hiện.

ĐB Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nói nhiều địa phương chỉ vì chỉ tiêu phấn đấu theo nghị quyết, theo kế hoạch hằng năm nên đã vận động, thậm chí có nhiều cách làm với mục tiêu là giảm được số lượng hộ nghèo. Trong khi đó, chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất.

Còn ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn nông thôn mới là điều cần tránh, các tiêu chí phải đảm bảo, khi nào đạt thì mới công nhận. Ông Hòa nhìn nhận khi thực hiện, địa phương nào có quan tâm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và bền vững thì mức hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống rõ rệt… “Tuy nhiên, qua giám sát phát hiện có tình trạng hộ nghèo, cận nghèo không muốn thoát nghèo, vì thoát nghèo thì không còn được hưởng chính sách của Nhà nước” - ĐB Hòa nói.

“Tại sao trong cùng một điều kiện, khu vực, hoàn cảnh mà có người vươn lên thoát nghèo, có người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được là hộ nghèo?”

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo và ứng phó với mọi hoàn cảnh. “Tại sao trong cùng một điều kiện, khu vực, hoàn cảnh mà có người vươn lên thoát nghèo, có người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được là hộ nghèo? Tại sao có những người thoát nghèo thì buồn mà được trở lại hộ nghèo thì vui?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi và cho rằng lý do là bởi một bộ phận người dân chỉ quan tâm đến các chính sách hỗ trợ.

Nêu ý kiến tranh luận, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) lý giải người dân chưa muốn thoát nghèo là do cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Chính vì vậy, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”.

Tiếp thu và sẽ có giải trình cụ thể trước Quốc hội

Đại đa số ĐBQH khi đề cập đến trách nhiệm trong việc chậm ba chương trình mục tiêu quốc gia đều nói đến trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ban ngành, địa phương và cả cán bộ thừa hành.

Tuy vậy, ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) lại cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về Chính phủ, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia mà chủ yếu là các bộ chủ quản như NN&PTNT, LĐ-TB&XH, KH&ĐT, Ủy ban Dân tộc…

“Việc xác định trách nhiệm của các bộ, của Chính phủ đã rõ nhưng tôi cho rằng với một chương trình lớn như thế này, với các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra sau kết quả giám sát thì QH chúng ta cũng không thể né tránh trách nhiệm. Trước đồng bào, cử tri cả nước thì QH cũng cần thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình, trong đó có cả vấn đề thiết kế các chương trình này” - ĐB Long nói.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương sau đó đã giải thích QH và Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan QH có phần trách nhiệm thẩm tra việc thiết kế chương trình và xây dựng mục tiêu chương trình trong hoạt động giám sát, đôn đốc thực hiện. “Tiếp thu ý kiến của ĐB Nguyễn Công Long, chúng tôi sẽ có điều chỉnh phù hợp và sẽ báo cáo với QH cụ thể ở giải trình tiếp theo” - ông Phương nói.

bt-dao-ngoc-dung-9975-6641.jpeg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đã có hướng dẫn nhưng vẫn chờ

Trước ý kiến của các ĐB về công tác chỉ đạo, vốn đối ứng của địa phương cao, chậm sửa đổi, ban hành văn bản, chậm tiến độ… của các chương trình mục tiêu quốc gia, các thành viên Chính phủ đã đăng đàn giải trình.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã giải trình về hệ thống văn bản cồng kềnh do mỗi chương trình đều xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, cộng ba chương trình nên mục tiêu rất nhiều, được xác lập rất nhiều văn bản của các bộ, ngành.

“Dường như thiết kế chính sách của chúng ta chưa ổn, chúng tôi cũng nhận về phần mình trách nhiệm trong việc thiết kế chính sách này” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng đây là nhiệm kỳ thứ hai chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai và công việc đòi hỏi cao hơn, khó hơn.

“Không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà còn đòi hỏi giảm nghèo về các chiều thiếu hụt. Cũng không chỉ giảm nghèo đơn thuần mà yêu cầu giảm nghèo đa chiều nhưng cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn, cuối cùng là đòi hỏi phải bền vững” - ông Dung giải thích.

Sau khi nói về việc có quá nhiều văn bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến việc phân cấp, phân quyền hay các dự án còn manh mún, mục tiêu cao nhưng nguồn vốn hạn hẹp… “Nói thật là chưa đến nơi đến chốn. Dưới thì chờ trên, trên thì bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ. Điều này dẫn đến hiện tượng thông tư của bộ hướng dẫn rồi nhưng phía dưới lại đề nghị “hướng dẫn của hướng dẫn”” - ông Dung nói.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay hiện cơ bản đã hoàn thành tất cả văn bản hướng dẫn của Trung ương, gồm 34 văn bản quy phạm pháp luật, 75 văn bản thông thường.

Ông cũng rút kinh nghiệm về việc ban hành các văn bản còn chậm, trong đó có văn bản của Bộ KH&ĐT. Theo ông, khối lượng văn bản rất lớn, nhiều vấn đề phức tạp, có những vấn đề mới liên quan đến nhiều lĩnh vực, cạnh đó các chương trình cũng không được xem xét và phê duyệt tại một thời điểm. “Về tổng thể chung, việc này dẫn đến khó tránh khỏi sự chồng chéo, bất cập” - ông Dũng nhấn mạnh.•

Sẽ thí điểm trộn 3 chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn

Phát biểu giải trình sau đó tại phiên thảo luận về ba chương trình mục tiêu quốc gia chiều 30-10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn QH đã có giám sát tối cao về các chương trình này. Ông cũng cảm ơn đoàn giám sát đã làm việc tích cực, trách nhiệm, thực chất, chỉ ra những việc mà những người trong cuộc cũng không nghĩ tới được.

“Đây là những thông tin rất có giá trị...” - Phó Thủ tướng nói và nêu ra bảy vấn đề mà các ĐBQH quan tâm thảo luận.

p2-mau-tran-luu-quang-5431-4.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về phân cấp, Phó Thủ tướng nói các văn bản, chính sách chỉ đạo đã tuân thủ nguyên tắc và mang lại kết quả, địa phương cũng biết làm thế nào là tốt nhất. “Giải pháp này giúp các địa phương có thể giải quyết được một việc mà như Thủ tướng hay nói là “làm cho ra tấm ra miếng”” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng thông tin sắp tới sẽ trình cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm mỗi địa phương chọn một huyện để “trộn” vốn ba chương trình và chuyển đổi vốn sự nghiệp dùng không hết sang thành vốn đầu tư phát triển. “Việc này sẽ tháo một nút thắt rất lớn” - Phó Thủ tướng nói và cho hay sở dĩ chọn phương thức thí điểm là bởi việc này vướng vào xung đột trực tiếp giữa Luật Ngân sách và Luật Đầu tư.

Về chuyển vốn, Phó Thủ tướng nói nếu không chuyển thì sẽ bị cắt khoảng 13.000 tỉ đồng vốn, trong khi đó nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp. “Mục tiêu lớn mà cắt khoản này thì “băn khoăn, lo lắng”, còn bổ sung vốn của giai đoạn sau thì gần như không thể” - Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị các ĐB xem đây là một trường hợp hết sức đặc biệt.

Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng hiện còn 10 vấn đề tồn tại, Phó Thủ tướng nói sẽ giải quyết trong cơ chế đặc thù trình QH.

Đặc biệt, về vấn đề giải ngân, ông Trần Lưu Quang nói điều quan trọng hơn giải ngân là chất lượng đầu tư, chất lượng hỗ trợ. “Chúng ta đang nghĩ tới việc tiêu tiền bởi vì tiêu không được. Giải pháp chúng tôi quan tâm là cùng ĐB, địa phương điều chỉnh chính sách cho hợp lý, song song đó là giám sát, tuyên truyền để có chất lượng tốt hơn, đúng với kỳ vọng chúng ta mong muốn” - Phó Thủ tướng nói. NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm