Đề xuất thí điểm trộn 3 chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn

(PLO)- Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định cho phép thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện thực hiện trộn ba chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-10, QH tiếp tục thảo luận về việc triển khai các nghị quyết của QH về ba chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Nhận trách nhiệm vì thiết kế chính sách chưa ổn

Theo báo cáo của Đoàn giám sát của QH và ý kiến của nhiều đại biểu thì ba chương trình nêu trên còn có những bất cập như: Chậm ban hành văn bản, văn bản quá nhiều; nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện, có nội dung trích dẫn, dẫn đến nhiều văn bản khác.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hệ thống thiết kế văn bản cồng kềnh là xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu của một chương trình. “Cộng ba chương trình nên mục tiêu rất nhiều và sự phối hợp trên, dưới, ngang, dọc chưa phải chặt chẽ lắm” - ông Hoan thừa nhận.

Cũng theo ông Hoan, thời gian qua, nhiều địa phương không muốn lên nông thôn mới vì sợ bị giới hạn một số nguồn lực hỗ trợ. Bộ trưởng đánh giá nguyên nhân xuất phát từ việc thiết kế chính sách chưa ổn đồng thời ông nhận một phần trách nhiệm về vấn đề này.

Giải trình thêm về ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng không ai sinh ra, lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai muốn không thoát nghèo. Bằng chứng là nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát hộ nghèo, chủ động nhường quyền lợi cho người khác.

Bộ trưởng khẳng định, thời gian qua, chương trình giảm nghèo không còn chính sách "cho không" mà đã hoàn toàn chuyển sang "hỗ trợ có điều kiện". Trong đó hỗ trợ về sản xuất, nhà ở, sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Đề xuất thí điểm trộn 3 chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng đánh giá, ba chương trình còn nhiều tồn tại như phải ban hành quá nhiều văn bản, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ. Nhiều dự án nhỏ manh mún, mục tiêu cao nhưng vốn thì ít…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, trước mắt trong nghị quyết về giám sát kỳ này, QH nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau.

“Đề nghị QH cho phép mỗi tỉnh nên chọn 1, 2 huyện làm thí điểm. Huyện quyết định toàn vẹn, tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều phối, kiểm tra giám sát. Trung ương kiểm tra mục tiêu, thanh tra kiểm tra và tổng kết và đánh giá chương trình”, ông Dung nói.

Đề xuất QH cho phép chuyển nguồn vốn

Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, tất cả những sửa đổi văn bản, các chính sách, chỉ đạo riêng đều thuân thủ theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền.

chương trình mục tiêu quốc gia
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ phát biểu về những vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cũng theo Phó thủ tướng, dự kiến trong phiên họp gần nhất của QH, Chính phủ sẽ trình QH quyết định cho phép thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện thực hiện trộn ba chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn.

Nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển sang nguồn vốn đầu tư phát triển. "Việc này sẽ tháo một nút thắt rất lớn”- Phó thủ tướng nói.

Về việc chuyển vốn, theo Phó Thủ tướng, khi báo cáo Ủy ban thường vụ QH, Chính phủ đưa ra nguyên tắc cố gắng phấn đấu vốn năm 2022 giải ngân trong năm nay. Trên cơ sở tại kỳ họp này có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập.

Tuy nhiên với tình hình hiện tại, Phó thủ tướng mong muốn QH cho phép được chuyển nguồn năm 2022 tới 31-12-2024 bởi đây là trường hợp “hết sức đặc biệt”.

Theo ông Trần Lưu Quang, nếu QH không đồng ý thì khoảng 13.000 tỉ đồng mà chủ yếu là vốn sự nghiệp sẽ bị cắt. Trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu thì lớn lao mà việc bổ sung vốn của giai đoạn sau này gần như không thể.

“Mọi việc vẫn còn phía trước với nhiều khó khăn. Mong đại biểu tiếp tục đồng hành, địa phương, cuối nhiệm kỳ đạt được mục tiêu đề ra”- Phó thủ tướng bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm