Ngày 13-9, tại buổi làm việc kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia y tế tại các cơ sở y tế, nghiên cứu hàng đầu của trung ương phát biểu, nhận định tình hình và làm rõ nhiều giải pháp về phòng chống dịch. Qua đó để hướng dẫn, gợi ý các địa phương, nhất là các giải pháp y tế, giải pháp về xét nghiệm, điều trị.
Phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Ảnh: HẢI AN
Lựa chọn địa bàn trọng tâm, trọng điểm để xét nghiệm
Theo đó, các tỉnh cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhanh chóng dập tắt triệt để các ổ dịch, không để xuất hiện các ổ dịch mới.
Tại buổi làm việc này, các chuyên gia khẳng định những chuyển biến trong tuần qua trên cả nước tiếp tục khẳng định việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia và các biện pháp phòng chống dịch đề ra là đúng đắn, kịp thời. Đáng chú ý là việc chuyển hướng chiến lược, kết hợp giữa tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo với phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện đến tận cấp cơ sở; xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Các chuyên gia lưu ý phải xét nghiệm thần tốc toàn dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội; xét nghiệm nhiều vòng (một vòng trong 2-3 ngày) tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để phát hiện sớm nguồn lây, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế giãn cách xã hội kéo dài, trên phạm vi rộng…
Các F0 tự điều trị tại nhà cần được hướng dẫn xét nghiệm kháng thể
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1, người lập group tư vấn có sự tham gia của nhiều F0 ở TP.HCM, cho biết thời gian qua ông cũng tiếp nhận nhiều trường hợp F0 chia sẻ họ tự cách ly tại nhà, khi liên hệ y tế địa phương gặp khó khăn. Có những trường hợp không thể tiếp cận được y tế, do đó họ phải “tự lực cánh sinh”, đây là những nguyên nhân khách quan.
BS Khanh đề nghị cho những trường hợp F0 tự điều trị được xét nghiệm kháng thể để xác định khả năng đã từng nhiễm bệnh, từ đó làm căn cứ cấp “thẻ xanh COVID-19” cho họ.
BS Khanh lưu ý cần phân biệt việc xét nghiệm kháng thể cho người đã từng tiêm ngừa và người đã từng nhiễm bệnh, thế giới không khuyến khích xét nghiệm cho người đã từng tiêm ngừa.
Theo BS Khanh, việc xét nghiệm kháng thể là hình thức kinh điển có độ tin cậy cao, từng được dùng để chẩn đoán một người có kháng thể bảo vệ trước các bệnh phổ biến như viêm não Nhật Bản, viêm gan siêu vi B, thương hàn, sốt xuất huyết... hay không. Trước đây, để phân tích điều tra dịch tễ, việc xét nghiệm kháng thể cũng giúp phân tích ai từng nhiễm bệnh trước làm căn cứ để tìm nguồn lây bệnh.
BS Khanh cho rằng các cơ quan Bộ Y tế, Sở Y tế, Viện Pasteur cần sớm có hướng dẫn về việc xét nghiệm kháng thể COVID-19 để chẩn đoán bệnh cho người dân, không để người dân tự làm xét nghiệm lung tung. Thông tin các nơi đủ năng lực làm chẩn đoán này phải được công khai lên cổng thông tin của Sở Y tế và các cơ sở phải tự chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm của mình. Các kết quả xét nghiệm chẩn đoán phải nạp lên hệ thống chuyển về cho các quận, huyện nắm.
Theo BS Khanh, việc xét nghiệm kháng thể ở giai đoạn sớm mới nhiễm bệnh sẽ không phát hiện được mà cần thử sau bốn tuần. Kháng thể này có thể tồn tại lâu hơn, thậm chí suốt đời. Do vậy, người mới mắc COVID-19 đã có đủ kháng thể bảo vệ ít nhất trong sáu tháng đầu, thậm chí có thể kéo dài suốt đời, không cần phải tiêm vaccine vì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ. Việc tiêm vaccine cho những đối tượng này sẽ gây lãng phí.
Để phòng ngừa việc F0 âm thầm chữa COVID-19, không thông báo cơ sở y tế thì từ giờ trở đi, các phường, xã phải tăng cường tuyên truyền quy trình khi phát hiện bản thân dương tính cần thông báo cho y tế địa phương, nếu tự ý chữa bệnh sẽ không được cấp chứng nhận nữa. Một khi người dân đã phản ánh cho trạm y tế nhưng trạm y tế không đến lập danh sách và cấp túi thuốc thì phải chịu trách nhiệm.•
9,5% bệnh nhân COVID-19 cần thở ôxy Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 9,5% bệnh nhân COVID-19 có nhu cầu thở ôxy từ nhẹ gồm mask, gọng kính, dòng cao đến nặng như thở máy không xâm nhập, xâm nhập, ECMO. Tại một số tỉnh, thành phía Nam, nhu cầu ôxy y tế ngày càng tăng. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh phải đầu tư cho hệ thống cung cấp ôxy y tế dài hạn. |
TP.HCM xin rút khoảng cách hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Y tế xem xét rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần xuống tối thiểu sáu tuần. Nội dung này được đề cập trong văn bản do Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng ký ngày 12-9 với lý do rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm nhằm giúp TP đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19. Đề xuất của Sở Y tế đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại TP. Tính đến 18 giờ ngày 11-9, TP ghi nhận 292.403 ca nhiễm. Các bệnh viện đang điều trị 39.296 bệnh nhân, trong đó 2.690 F0 nặng đang thở máy, 23 bệnh nhân can thiệp ECMO và 2.914 F0 trẻ em dưới 16 tuổi. Tổng số ca tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay là 11.992. |