Điều này cho thấy các đội quan tâm việc trụ hạng nhiều hơn là đá để vô địch.
Trong khi VFF, VPF kiên quyết không dừng giải mà sẽ tìm mọi phương án để đá lại thì nhiều đội không mặn mà với chuyện chờ để đá tiếp. Giải mã hai luồng ý kiến trên không khó bởi ai cũng có cái lý của mình.
V-League chưa về đích thì CLB phải chịu nhiều khoản phát sinh trong khi nhà điều hành thì không nhận đủ từ nhà tài trợ. Ảnh: XUÂN HUY
Với các CLB thì nhiều đội bóng phải giật gấu vá vai, tính ăn đong từng mùa nên không có khoản dự trù cho chi phí phát sinh hoặc quỹ dự phòng. Thế nên nếu hoãn giải thì sẽ có đủ khoản chi phí phải gồng như quỹ lương cầu thủ, đặc biệt là các ngoại binh. Đó là chưa kể những khoản phát sinh ngoài hợp đồng theo kiểu thêm ngày nào là lại cộng ngày đó, thậm chí là bồi thường… Vì vậy, nhiều lãnh đạo đội bóng mong giải kết thúc sớm để không phải dây dưa với nhiều khoản tiền phát sinh trong giai đoạn tập duy trì chờ tái đấu mà không biết ngày nào mới đá được.
Còn với những nhà điều hành giải cũng có những khó khăn riêng. Đó là giải không về đích thì sẽ không được thanh toán những khoản tài trợ do chưa đảm bảo những cam kết và nghĩa vụ với nhà tài trợ.
Vì thế mà V-League mới “chia làm hai phe”. Khổ cho bóng đá Việt Nam khi lợi ích của nhà điều hành không cùng chiều với đội bóng.