Sáng nay (27-5), báo cáo trước Quốc hội về tờ trình dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Đại tướng Trần Đại Quang (Bộ trưởng Bộ Công an) cho hay: Từ khi có Pháp lệnh năm 2004 được ban hành đến nay, các cơ quan điều tra (CQĐT) và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã khởi tố 733.339 vụ án hình sự với trên 1,1 triệu bị can.
CQĐT được tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu nên đã phát hiện điều tra, xử lý có hiệu quả với từng loại tội phạm theo thẩm quyền của các CQĐT.
Riêng đối với CQĐT CAND đã có sự gắn kết giữa hoạt động trinh sát với điều tra theo tố tụng hình sự. CQĐT Công an cấp huyện đã giải quyết trên 88% số vụ án hình sự xảy ra trên toàn quốc, tạo điều kiện để CQĐT cấp trên tập trung điều tra những vụ án về các tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, thực tế cũng cho thấy Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự, như còn có nhiều quy định chung, chưa cụ thể. Mặt khác, Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa; chưa có quy định về quản lý CQĐT hình sự.
Xuất phát từ tình hình nêu trên, để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh năm 2004 thì việc xây dựng, ban hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết. Nhằm bảo đảm trong hoạt động điều tra hình sự, sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, dự án Luật này bổ sung các điều luật để bảo đảm quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân như: ‘‘Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo quy định của pháp luật’’ (Điều 31).