Các 'đại bàng' sẽ đổ về Vân Phong

(PLO)- Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) đang được điều chỉnh quy hoạch để lựa chọn nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế (KKT) Vân Phong (Khánh Hòa), cho hay cơ quan này đang lập quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn 2050 để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Qua đó, làm cơ sở để triển khai quy hoạch phân khu, xem xét, lựa chọn nhà đầu tư.

Quy hoạch lại để thu hút đầu tư

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ tổ chức lấy ý kiến phản biện khoa học về đồ án với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Dự kiến, tháng 6-2022, đồ án sẽ được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sau đó trình thẩm định, phê duyệt.

Bắc Vân Phong gần như còn giữ nguyên hiện trạng từ năm 2016. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Bắc Vân Phong gần như còn giữ nguyên hiện trạng từ năm 2016. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng thông tin: khu vực Bắc Vân Phong gần như còn giữ nguyên hiện trạng từ năm 2016. Trước đó, khu vực này được lập đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cho dừng triển khai quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và cho phép điều chỉnh quy hoạch khu vực này.

Lần này, Bắc Vân Phong được định hướng xây dựng sân bay charter, cảng trung chuyển quốc tế, các khu đô thị du lịch, sinh thái biển, đa chức năng và khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế…

“Để phát triển KKT Vân Phong, Ban quản lý đã tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách liên quan đến nhà đầu tư chiến lược; cơ chế liên quan đến phân cấp, ủy quyền cho ban quản lý; phân cấp cho UBND tỉnh thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”- ông Hoàng nói.

Thu hẹp khu công nghiệp để xây đô thị

Trước đó, thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã kết luận về đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn 2050.

Tỉnh lộ 651 nối quốc lộ 1 đi Đầm Môn sắp hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất hàng ngàn ha. Ảnh: LÊ HIỀN.

Tỉnh lộ 651 nối quốc lộ 1 đi Đầm Môn sắp hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất hàng ngàn ha. Ảnh: LÊ HIỀN.

Theo đó, thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thống nhất thu hẹp khu công nghiệp Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh hoặc điều chỉnh vị trí khu công nghiệp này về vị trí khác. Việc này nhằm dành quỹ đất phát triển khu đô thị du lịch, sân bay phục vụ charter. Ban chỉ đạo đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán quỹ đất đủ lớn để xây sân bay, đảm bảo tầm nhìn phát triển đến năm 2050.

Thường trực Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh cũng thống nhất định hướng xây dựng bến cảng khách quốc tế tại khu vực Bắc Vân Phong. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung kết nối Bắc Vân Phong và đảo Hòn Lớn.

Hiện nay, cảng tổng hợp Bắc Vân Phong đã đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT. Đây được quy hoạch bến cảng tổng hợp, container…là khu tiềm năng phát triển về lâu dài để đảm nhận vai trò trung chuyển container quốc tế.

Nhiều công ty lớn đã đăng ký đầu tư tại Bắc Vân Phong

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, thời gian qua, một số tập đoàn, công ty lớn đã đăng ký, đề xuất dự án đầu tư tại khu vực Bắc Vân Phong như IPPG, Sungroup, Sovico, Novaland, FPT, T&T, SSI, Viglacera… Các dự án chủ yếu lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại, khu phi thuế quan…

Các dự án mà nhà đầu tư đề xuất thuộc các khu vực đã có định hướng phát triển trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc xem xét lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật sau khi quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 các khu chức năng của KKT được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Việc triển khai các dự án theo đúng quy hoạch được phê duyệt sẽ góp phần phát triển huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp như mục tiêu đề ra”- ông Hoàng nói.

Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, dân số hiện nay tại khu vực Bắc Vân Phong khoảng 240.600 người. Đến năm 2030 sẽ tăng lên 350.000 – 380.000 người và sẽ đạt 500.000 – 550.000 người vào năm 2040.

Chỉ mới thu hút 155 dự án

KKT Vân Phong rộng 150.000 ha, trong đó diện tích phần đất liền, đảo khoảng 70.000 ha, diện tích mặt nước chiếm 80.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS) là một trong những dự án có quy mô lớn tại KKT Vân Phong. Ảnh: HUỲNH HẢI.
Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS) là một trong những dự án có quy mô lớn tại KKT Vân Phong. Ảnh: HUỲNH HẢI.

Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút 155 dự án đầu tư với tổng mức đăng ký đầu tư khoảng 4,1 tỉ USD, trong đó có 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là các dự án của các doanh nghiệp trong nước.

Sau 15 năm thành lập, KKT Vân Phong có 100 dự án đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,3 tỉ USD; doanh thu đạt 5.705 triệu USD, xuất khẩu đạt 5.291 triệu USD, nhập khẩu đạt 3.848 triệu USD.

KKT Vân Phong đã nộp ngân sách 50.246 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 11.800 lao động, chủ yếu là lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.