Các địa phương kỳ vọng vào tuyến đường thủy TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre

(PLO)- Sau khi khảo sát tuyến đường sông TP.HCM - Bến Tre - Tiền Giang, các địa phương càng kỳ vọng hơn vào tuyến đường thủy nội địa này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, đoàn công tác do Sở GTVT TP.HCM chủ trì đã có chuyến khảo sát tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM đi Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An cho biết, mục đích mở tuyến tàu cao tốc này nhằm phục vụ hành khách đi đường sông (gồm cả khách du lịch), vận chuyển hàng hóa... phát huy tiềm năng đường thủy nội địa, góp phần giảm tải cho đường bộ.

Dự kiến cuối năm 2022 sẽ có tuyến giao thông thủy xuống Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh: CTV.

Dự kiến cuối năm 2022 sẽ có tuyến giao thông thủy xuống Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh: CTV.

"Hiện bến bãi đã có sẵn, nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia khai thác tuyến này. TP.HCM kỳ vọng đây là tuyến du lịch mới thu hút khách.

Chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người dân TP và khách quốc tế. Qua cuộc khảo sát thấy rằng TP.HCM và các địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vấn đề đặt ra là cần có sự quảng bá - phối hợp của nhiều đơn vị để khai thác hiệu quả.

Tôi đánh giá đây là chuyến du lịch hấp dẫn, đi hoàn toàn trên sông nước với nhiều dịch vụ hấp dẫn - và chắc chắn sẽ không bị kẹt xe như đường bộ. Chúng ta cũng cần tính toán các điểm du lịch xung quanh sông để tạo thêm thu hút cho hành khách...

Các địa phương đã có sẵn bến bãi đường thuỷ, đáp ứng nhu cầu đi lại trong thời gian tới. Ảnh: CTV.

Các địa phương đã có sẵn bến bãi đường thuỷ, đáp ứng nhu cầu đi lại trong thời gian tới. Ảnh: CTV.

Tôi cũng biết hiện nay có nhiều công ty lữ hành rất quan tâm đến mảng du lịch dịch vụ này. Tôi tin chắc đây là một mảng vận tải du lịch sẽ thành công trong thời gian tới" - ông An chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết sau chuyến khảo sát này có thể khẳng định đây là một loại hình du lịch mới mẻ - tận dụng lợi thế về sông nước.

Tuyến giao thông này vừa là một tuyến du lịch mới, cũng là một kênh du lịch miệt vườn đáp ứng sở thích của khách du lịch trong nước và quốc tế.

"Sở GTVT tỉnh và TP.HCM sẽ cùng ngồi lại với các đơn vị du lịch để lắng nghe, hoàn thiện lộ trình nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp cùng phát triển", - ông Thanh nhấn mạnh.

Góp ý thêm, bà Nguyễn Thị Mai Thi - Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết khả năng phát triển du lịch là có - song phải liên kết nhiều công ty du lịch để đảm bảo tuyến. Theo đó, ngay từ bây giờ cần đẩy mạnh quảng cáo để nhiều người biết đến.

Sau buổi khảo sát này, các đơn vị liên quan sẽ có đánh giá về việc sử dụng tàu khai thác sao cho phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể là về lượng hành khách, giá vé.

Tuyến vận tải thủy bằng tàu cao tốc đi từ TP.HCM đến Tiền Giang dài khoảng 110 km, đến tỉnh Bến Tre khoảng 120 km.

Lộ trình xuất phát từ Bến Bạch Đằng (quận 1) hoặc cảng Sài Gòn, Nhà Rồng (quận 4) đi theo sông Sài Gòn - sông Nhà Bè - sông Soài Rạp - sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn - sông Cần Giuộc) - kênh Chợ Gạo - sông Tiền… đến cảng, bến thủy nội địa thuộc tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre và ngược lại.

Phương tiện sử dụng là tàu cao tốc có sức chở từ 75 - 151 khách/tàu. Dự kiến có 3 doanh nghiệp khai thác với khoảng 6 tàu.

Sở GTVT TP.HCM dự kiến khai thác tuyến tàu cao tốc này từ quý III năm nay, thời gian tàu hoạt động từ 6 - 18 giờ hằng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm