Các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả

(PLO)- Đó là nội dung trong buổi Hội thảo: "Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả ” do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 28-7.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hơn 20 năm qua, các đô thị Việt Nam đã xác định phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc giao thông và cung ứng dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại ở các đô thị.

Người đi xe buýt giảm, trợ giá tăng

Trong hơn 20 năm qua, các đô thị Việt Nam đã xác định phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc giao thông và cung ứng dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại ở các đô thị.

Tại các đô thị ở Việt Nam, phương thức VTHKCC chủ yếu là bằng xe buýt. Tại Hà Nội, đã có thêm hai phương thức vận tải khối lượng lớn là xe buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị.

Hội thảo giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả. Ảnh: ĐT.

Hội thảo giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả. Ảnh: ĐT.

Tại TP.HCM, theo kế hoạch cuối năm 2023 sẽ đưa vào khai thác tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Hiện nay, ở Hà Nội và TP.HCM, mỗi năm ngân sách TP chi ra hơn 1.000 tỉ đồng để trợ giá cho xe buýt bằng hình thức trợ giá từ nhà nước. Trong đó, tại Hà Nội là 114 tuyến và tại TP.HCM có 101 tuyến có trợ giá.

Các tỉnh TP còn lại hoạt động trợ giá mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ một phần kinh phí và cho một số tuyến. Tuy nhiên, lượng hành khách đi lại qua các năm đều sụt giảm, dù các đơn vị vận hành đã có nhiều đổi mới, sáng tạo.

Khi nhìn nhận thực tế, tại một số địa phương như Bắc Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang…,các doanh nghiệp đã đấu thầu, tham gia hoạt động VTHKCC với hình thức không trợ giá.

Chính vì vậy, hội thảo đã đưa ra những khó khăn đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM.

Vận tải hành khách bằng xe buýt còn nhiều hạn chế

Tại hội thảo, TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT chia sẻ về định hướng giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị của Việt Nam. Theo ông Mười, hiện cả nước có 57/63 tỉnh thành đã có vận tải hành khách công cộng. Dự kiến, đến 2030 vận tải bằng xe buýt vẫn là trụ cột xương sống chính.

TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT. Ảnh: ĐT.

TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT. Ảnh: ĐT.

TS Mười nhận định chúng ta cần nhìn nhận thực tế là tại sao có tình trạng trợ giá nhưng hoạt động không hiệu quả và ngược lại có những tuyến không trợ giá nhưng hoạt động rất hiệu quả.

TS Mười cho biết VTHKCC xe buýt hiện nay còn nhiều vấn đề như: Mức độ bao phủ mạng lưới tuyến VTHKCC bằng xe buýt trên toàn quốc thấp, trùng lặp tuyến cao dẫn đến hoạt động chưa hiệu quả.

Không chỉ vậy, tuổi đời phương tiện VTHKCC bằng xe buýt khá cao gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ bằng xe buýt. Hệ thống VTHKCC bằng xe buýt chưa được quan tâm đầu tư đúng mức (thiếu điểm dừng, nhà chờ, hệ thống biển báo thông tin không đầy đủ, thiếu bãi đỗ xe buýt…) gây khó khăn cho việc tiếp cận của hành khách. Song song, trợ giá chưa đúng nghĩa là nguyên nhân dẫn đến mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt phát triển chậm, đầu tư đổi mới phương tiện chưa được quan tâm.

Từ những nhận định trên, TS Mười đã đưa ra các nhóm giải pháp để phát triển VTHKCC. Cụ thể, tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân song song với phát triển VTHKCC. Đồng thời, tăng cường số lượng, chất lượng dịch vụ VTHKCC trên các hành lang giao thông chính.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ VTHKCC. Theo TS Mười việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ VTHKCC là trực tiếp giải quyết nguyên nhân hạn chế sự phát triển của VTHKCC.

Tiếp theo, cần có các chính sách ưu tiên cho phát triển VTHKCC. Chủ trương phát triển VTHKCC phải được cụ thể hóa bằng các chính sách ưu tiên, ưu đãi gián tiếp và trực tiếp. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và bảo đảm cạnh tranh có kiểm soát, trên cơ sở bài học điển hình đầu tư buýt điện của Vinbus được dư luận đồng tình, ủng hộ cao.

Cuối cùng, kiểm soát các hoạt động sử dụng đất và phát triển đô thị liên quan tới các hành lang vận tải chính, xử lý nghiêm các sai phạm về quy hoạch đô thị, xây dựng trên hành lang.

Cần có cuộc "đại phẫu thuật" cho xe buýt

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách TP.HCM cho biết cần có một cuộc đại phẫu thuật để tìm ra nguyên nhân người đi xe buýt ngày càng ít.

Theo đó, giải pháp đặt ra là cần tái cấu trúc mạng lưới VTHKCC ở TP.HCM, bao gồm tuyến trục, tuyến chính và thu gom. Từ đó, chỉ ra những điểm yếu của hệ thống VTHKCC, có một cuộc cách mạng toàn diện thì mới có thể thành công.

Sở GTVT TP.HCM cũng cần nhanh chóng trình UBND TP.HCM một kế sách từ tái cấu trúc, phong cách phục vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm mang lại hiệu quả. Đối với chính sách trợ giá cũng cần có chính sách dài lâu, 5 năm, 10 năm thay vì từng năm như hiện nay. Bên cạnh đó, TP.HCM cần nghiên cứu để đưa ra đường ưu tiên dành riêng cho xe buýt để thực sự mang lại hiệu quả cho xe buýt.

Tương tự TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho biết khi nào TP.HCM chưa có làn đường dành riêng (ưu tiên) trung tâm trung chuyển cho xe buýt, thì thực sự xe buýt không thể phát triển được. Tuy nhiên, nếu có làn đường dành riêng mà không có xe buýt chạy thì cũng không được, người dân sẽ có phản ánh.

Ông Hà Ngọc Trường, Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho biết muốn phát triển giao thông công cộng thì cần tổ chức giao thông đồng nhất, chung một tổ chức quản lý. Tổ chức này phải liên kết, vận tải đa phương thức với nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, nên tổ chức một vé xe thì có thể đi được các tuyến và giá vé chỉ chiếm phần nhỏ trong thu nhập bình quân/người.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP đang phấn đấu hoàn thành metro vào cuối năm 2023, theo đó sẽ có một số tuyến xe buýt "ăn theo" phục vụ cho tuyến metro này. Đồng thời, TP cũng đã nghiên cứu xong việc đầu tư xe buýt nhỏ, dự kiến tới cuối năm 2022 sẽ kêu gọi đầu tư.

Đối với làn đường dành riêng cho xe buýt, nếu làm ở đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu thì khả năng không khả thi là rất cao. Bởi mặt đường quá nhỏ, sẽ gây kẹt xe ở khu vực này, Sở GTVT cũng tính toán chạy kết hợp với các tuyến khác nhưng vẫn khá nhiêu khê.

Vẫn nên khuyến khích trợ giá xe buýt

Ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang, cho biết đơn vị đã hoạt động vận tải được 20 năm và cũng tham gia vận tải xe buýt và không lỗ.

Theo đó, để hoạt động hiệu quả thì cần phân bổ lại luồng tuyến, giảm thời gian chờ của hành khách. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư phương tiện mới.

"Với tiềm lực đã có, chúng tôi sẵn sàng tham gia bất kỳ một tuyến xe buýt nào, kể cả không trợ giá" - ông Ánh cho biết.

Đại diện Công ty Bảo Yến vận hành xe buýt ở TP.HCM và Hà Nội khẳng định rằng nếu không có trợ giá thì xe buýt không thể sống nổi.

TS Lê Đỗ Mười cho biết tất cả các phương tiện công cộng trên thế giới nếu không trợ giá thì không làm được. Tuy nhiên, nếu có doanh nghiệp không cần trợ giá mà vẫn làm được thì nên khuyến khích. Bởi vận tải công cộng có trách nhiệm rất lớn, vì mục tiêu cộng đồng và giảm ùn tắc giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm