Tuy nhiên có nhiều loại ung thư khó phát hiện sớm, dấu hiệu và triệu chứng không rõ ràng khiến người bệnh thường chủ quan, để bệnh nặng mới chịu đi khám.
Dưới đây là năm loại ung thư khó phát hiện sớm nhất và chiếm tỉ lệ tử vong cao nhất hiện nay.
Ung thư gan
Ung thư gan khó nhận biết sớm do triệu chứng nghèo nàn và người bệnh dễ chủ quan bỏ qua. Khi đã phát hiện thì bệnh đã tiến triển nặng, khó điều trị và tỉ lệ tử vong cao. Tuy vậy ung thư gan được xem là dễ phòng tránh nhất bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ đã biết đối với bệnh này.
Nước ta có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan và mắc viêm gan B rất cao, ước tính cứ tám người có một người nhiễm virus viêm gan B. Trong đó lây từ mẹ sang con là đường lây truyền phổ biến nhất.
Người mắc bệnh viêm gan B có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 100 lần so với người không mắc. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 70% các trường hợp tử vong do viêm gan B là vì ung thư gan tiến triển. Đây cũng là ung thư thường gặp và gây tử vong ở nước ta. Theo thống kê hằng năm có tới 31.000 ca tử vong do ung thư gan, đa phần đều phát hiện trễ.
Chiến lược phòng ung thư gan là tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B, hạn chế uống rượu. Những người có nguy cơ cao gồm có tiền sử viêm gan B, xơ gan, nghiện rượu, nhiễm chất độc dioxin cần siêu âm gan và xét nghiệm máu định lượng chất chỉ điểm khối u (AFP) định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm.
Các giai đoạn của ung thư dạ dày.
Ung thư phổi là loại ung thư hay gặp nhất trên toàn cầu, khó phát hiện sớm, kết quả điều trị cũng rất thấp, gây tử vong nhiều nhất trong các loại ung thư.
Ở nước ta, ung thư phổi đứng thứ hai sau ung thư gan ở cả hai giới nam và nữ.
Nhiều người thường chủ quan với các dấu hiệu của bệnh dẫn đến khi bệnh đã trở nặng mới bắt đầu đi khám thì ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn. Chính vì thế, việc trang bị cho mình những hiểu biết về các biểu hiện sớm của bệnh là điều rất cần thiết để can thiệp kịp thời và điều trị.
Khi phát hiện tám dấu hiệu dưới đây hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và chẩn đoán ung thư phổi kịp thời: Thở khó khăn, nặng nhọc; Ho nhiều; Đau tức ngực; Sút cân một cách bất thường, không rõ nguyên nhân; Khạc đờm có lẫn máu; Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp; Dấu hiệu khác thường ở các mô vú; Đau vai do khi có một khối u phát triển và chèn lên phần trên của phổi tạo áp lực dẫn đến đau nhức ở vai, cánh tay, bàn tay.
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là không hút thuốc lá, thuốc lào. Những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc) có thể làm các xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu tìm một số chất chỉ điểm khối u (CEA, cifra 21-1, SCC...) và chụp X-quang phổi hằng năm.
Ung thư xương
Bệnh ung thư xương là ung thư bắt nguồn từ các tế bào tạo xương, tế bào sụn và tế bào liên kết của mô xương. Các tế bào này phân chia và phát triển tạo thành khối u ác tính trong xương, có khả năng xâm lấn các mô xung quanh và di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể.
Ung thư xương thường xuất hiện ở những nơi như xương chày, xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay.
Trẻ sau 12 tuổi có chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng độ tuổi cần được quan tâm nếu trẻ có triệu chứng đau vô cớ trong xương. Khởi đầu cơn đau thường mơ hồ nhưng sau đó rõ từng đợt ngắn trong xương, rất khó chịu. Đau thường xuất hiện ở đầu trên hoặc đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu trên xương cánh tay, xương chậu và xương bả vai.
Khi có các dấu hiệu trên không có nghĩa là đã mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ một trong các dấu hiệu đó thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày thường khó phát hiện, bệnh thường không có triệu chứng bị bệnh hoặc chỉ gây ra các triệu chứng không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Khi bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện như nôn mửa, đi ngoài phân đen, các biểu hiện được coi là rõ ràng hơn thì bệnh đã trở nặng. Lúc đó ung thư nhìn chung đã di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể, đó là một trong những lý do gây khó khăn trong chẩn đoán bệnh.
Người bệnh nên soi ung thư dạ dày định kỳ để phát hiện bệnh sớm (nếu có), đặc biệt với người thuộc nhóm nguy cơ cao như bị viêm dạ dày mạn tính, gia đình có người bị ung thư dạ dày, nhiễm khuẩn HP...
Ung thư buồng trứng
Trên thực tế có người thấy trướng bụng hoặc táo bón, ngỡ rằng có vấn đề về đường tiêu hóa, có người lại thấy bụng dưới to hơn, tưởng rằng mình tăng cân, có người lại thấy tình trạng tiểu lắt nhắt, cứ cho rằng bị nhiễm trùng tiểu...
Trong nhiều trường hợp người phụ nữ không hề có biểu hiện ung thư buồng trứng cho đến khi bệnh phát triển ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân đến khi thăm khám và phát hiện thì thường đã ở giai đoạn quá muộn, việc điều trị gặp nhiều rủi ro. Các chuyên gia đang thử nghiệm đo nồng độ chất CA-125 trong máu, chất này thường tăng cao ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng.
Theo BS TRẦN TUÂN (Suckhoedoisong.vn)