Ngày 12-9, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, liên quan đến thông tin Bộ Quốc phòng Anh có lên kế hoạch triển khai đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 nhằm đảm bảo tự do hàng hải và phản đối tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng bày tỏ:
“Quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó, các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế như được thể hiện trong Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Theo người phát ngôn, việc một quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng trên biển Đông, phản ánh sự quan tâm và quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển 1982, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực.
“Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực biển Đông được xác lập tại Công ước LHQ về Luật Biển 1982 là mục tiêu, là lợi ích, là trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế” - người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.
Cũng theo người phát ngôn, Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này vì hòa bình, ổn định, hợp tác của tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Về việc truyền thông Trung Quốc đưa tin Trung Quốc đang xây dựng mạng lưới máy bay không người lái để giám sát và chuyển tiếp thông tin về các đảo nhân tạo được xây dựng phi pháp trên biển Đông, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: Như đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên nếu không có sự cho phép của Việt Nam thì đều là bất hợp pháp và không có giá trị.
Theo người phát ngôn, thông tin từ các cơ quan chức năng thì từ ngày 3 đến 4-9 vừa qua nhóm tàu Trung Quốc đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động của tàu luôn được các lực lượng chức năng của Việt Nam giám sát theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước của LHQ về Luật Biển 1982.