Các nước châu Á làm gì để đối phó với nắng nóng?

(PLO)- Đối mặt thời tiết nắng nóng, nhiều nước trong khu vực châu Á đã đưa ra những biện pháp cấp bách nhằm đảo bảo sức khỏe cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các nhà khoa học dự báo trong năm 2023, hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại, khiến nhiệt độ nhiều nơi tăng cao, lượng mưa ít đi. Trong tháng 4 vừa qua, nhiều nơi tại châu Á đã ghi nhận những mức nhiệt độ cao chưa từng thấy.

Tại Thái Lan, nhiệt độ đo được tại một trạm thời tiết vào tháng 4 đã đạt mức 50 độ C. Tại Ấn Độ, ít nhất 13 người chết vì say nắng và hàng chục người phải nhập viện khi tham dự một lễ trao giải ngoài trời tại thành phố Mumbai vào giữa tháng 4. Tại Trung Quốc, gần một năm kể từ đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng năm 2022, hơn 100 trạm thời tiết ở nước này đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử thành lập của nó, theo tờ South China Morning Post.

Để đối phó thời tiết nắng nóng đang diễn ra, một số nước trong khu vực đã đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo sức khỏe và giảm chi phí sinh hoạt cho người dân.

Trẻ em chơi trong một phao bơi bên cạnh một con phố ở Manila (Philippines) hồi tháng 3. Ảnh: REUTERS

Trẻ em chơi trong một phao bơi bên cạnh một con phố ở Manila (Philippines) hồi tháng 3.
Ảnh: REUTERS

Malaysia

Trong tháng 4, Malaysia đã ghi nhận nhiệt độ tăng cao ở nhiều nơi, có khi tăng vọt lên 40 độ C. Nhà chức trách cho biết một bé trai 11 tuổi ở nước này đã tử vong vì say nắng, mất nước và ít nhất 5 người phải nhập viện do nắng nóng.

Ngày 3-5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Malaysia Lim Hui Ying cho biết Malaysia sẽ không đóng cửa trường học nào do thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, bộ này yêu cầu tạm thời ngưng tất cả hoạt động ngoài trời.

“Để ngăn chặn những sự cố đáng tiếc, Bộ Giáo dục đã yêu cầu tạm thời dừng các hoạt động ngoài trời, bao gồm các hoạt động ngoại khóa và thể thao tại các trường học trên toàn quốc" - bà Lim nói, theo tờ New Straits Times.

Bà cũng yêu cầu ban giám hiệu các trường học phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa nắng nóng và theo dõi các điều kiện thời tiết hàng ngày.

“Theo hướng dẫn của chúng tôi, khi nhiệt độ vượt quá 37 độ C (trong 3 ngày liên tiếp), sở giáo dục các bang sẽ giám sát và đóng cửa các trường học” - bà Lim nói.

Bộ Giáo dục Malaysia cũng cho phép học sinh và giáo viên mặc quần áo thể thao đến trường trong bối cảnh nắng nóng kéo dài ở một số bang của Malaysia. Trước đó, Hiệp hội Người tiêu dùng bang Penang (CAP) đã yêu cầu Bộ Giáo dục Malaysia đưa ra chỉ thị khẩn cấp yêu cầu học sinh mang chai nước đến trường để vượt qua đợt nắng nóng đang diễn ra.

Trong khi đó, để giải quyết tình trạng thiếu nước, Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia đã hợp tác với cơ quan khí tượng của nước này để tạo mây trên bầu trời bang Penang. Phương pháp này được cho là có thể bổ sung nước cho các hồ đập khô cạn trong khu vực.

Người dân dùng ô để che nắng trong một ngày nắng nóng ở Kuala Lumpur (Malaysia) vào tháng 4. Ảnh: EPA

Người dân dùng ô để che nắng trong một ngày nắng nóng ở Kuala Lumpur (Malaysia) vào tháng 4. Ảnh: EPA

Ngày 9-5, ông Nik Nazmi Nik Ahmad - bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia - cho biết nhà chức trách đang theo dõi các khu vực bị thời tiết nắng nóng ảnh hưởng và cho biết sẵn sàng đối phó với tác động của nắng nóng, khô hạn, theo tờ The Star.

Thái Lan

Nhiệt độ trong tháng 4 các năm trước ở Thái Lan thường ở mức cao. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa độ ẩm, gió và các yếu tố khác gần đây đã đẩy nhiệt độ ở một số nơi của nước này vượt qua 50 độ C.

Vào tháng 4, Thái Lan đã đưa ra cảnh báo kêu gọi người dân tiết kiệm nước trong bối cảnh Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan dự báo đợt hạn mới sẽ tấn công các bang của Malaysia gần Thái Lan. Tình trạng này có thể kéo theo khô nóng kéo dài.

Nắng nóng kỷ lục cũng khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, thu nhập của các hộ gia đình bị giảm. Hôm 24-4, cơ quan quản lý năng lượng Thái Lan cho biết nhu cầu điện ở nước này đạt mức cao nhất chưa từng có trong ngày 21-4, khi các hộ gia đình và doanh nghiệp bật điều hòa không khí để xua tan cái nóng.

Để đối phó với tình hình trên, Thái Lan đã giảm giá điện từ ngày 1-5. Ngày 25-4, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết chính phủ nước này cũng đã thông qua kế hoạch trợ cấp chi phí điện cho khoảng 23 triệu hộ gia đình trong 4 tháng tới. Kế hoạch này dự kiến tiêu tốn khoảng 11,1 tỉ baht (322,5 triệu USD), theo hãng tin Bloomberg.

Các nước châu Á làm gì để đối phó với nắng nóng? ảnh 3

Công nhân kho chứa tại một khu chợ ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: AFP

Hôm 22-4, nhà chức trách Thái Lan cũng đưa ra khuyến nghị người dân không nên ra ngoài do nắng nóng gay gắt.

Ấn Độ

Theo thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới, gần 26.000 người đã chết trong các đợt nắng nóng trên khắp Ấn Độ từ năm 1992 đến 2020. Trong tháng 4, nắng nóng hoành hành ở các bang Tây Bengal, Bihar và Andhra Pradesh của Ấn Độ. Có thời điểm nhiều ngày liên tiếp, nhiệt độ ban ngày ở những khu vực này được ghi nhận là 40 độ C, cao hơn khoảng 5 độ C so với mức trung bình.

Năm nay, cơ quan thời tiết của Ấn Độ dự đoán nhiệt độ có thể cao trên trung bình và các đợt nắng nóng có thể kéo dài cho đến cuối tháng 5 do hiện tượng El Nino.

Vào tháng 3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì một cuộc họp cấp cao để xem xét công tác chuẩn bị của chính phủ trong vài tháng tới, trước dự đoán nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt.

Cuộc họp yêu cầu bệnh viện và cơ sở y tế tiến hành kiểm tra nguy cơ hỏa hoạn và thực hiện các cuộc diễn tập an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, Thủ tướng Modi yêu cầu các kênh truyền thông thường xuyên đưa tin và giải thích rõ cho người dân hiểu về tình hình thời tiết để có những biện pháp ứng phó phù hợp.

Theo đài CNN, Bộ Lao động Ấn Độ yêu cầu tất cả các bang và khu vực phải đảm bảo an toàn cho người lao động - đặc biệt là những người lao động ngoài trời và thợ mỏ - trong điều kiện nắng nóng gay gắt. Theo đó, những người này cần được cung cấp đầy đủ nước uống, túi chườm đá và được cho phép nghỉ ngơi thường xuyên.

Ảo ảnh hình thành do nhiệt độ cao tại New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 4. Ảnh: GETTY IMAGES

Ảo ảnh hình thành do nhiệt độ cao tại New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 4. Ảnh: GETTY IMAGES

Nhà chức trách tại các bang cảnh báo người dân chú ý sức khỏe, uống đủ nước, mặc quần áo thoáng và ăn tránh thức ăn đường phố trong những ngày này.

Ông K. J. Ramesh, tổng giám đốc bộ phận khí tượng học tại Cơ quan Khí tượng Ấn Độ, cho biết một số bang của Ấn Độ đã bắt đầu cho phép đóng cửa trường học trước 13 giờ, các cơ quan nhà nước chỉ hoạt động trong khoảng từ 7 giờ đến 13 giờ. Đồng thời, nhiều bang cũng khuyến nghị người cao tuổi và thanh thiếu niên ở trong nhà từ 11 giờ đến 15 giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm