Mùa đông đang đến gần cùng với việc lượng nhiên liệu nhập khẩu từ Nga ngày càng ít, các nước châu Âu đang tìm mọi cách để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Ngày 26-7, tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt bắt đầu từ tháng 8-2022 đến hết tháng 3-2023. Để đạt được mục tiêu này, các nước EU đang nỗ lực thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Đức
Theo hãng tin Reuters, ngày 23-8 chính phủ Đức đã chính thức thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong mùa đông.
Theo đó từ ngày 1-9 các tòa nhà công cộng (ngoại trừ các tổ chức xã hội như bệnh viện, viện dưỡng lão) sẽ được duy trì nhiệt độ sưởi tối đa 19 độ C. Hệ thống sưởi trong các hành lang và tiền sảnh được yêu cầu tắt hoàn toàn.
Ngoài ra, các công trình lịch sử và đài kỷ niệm sẽ tắt đèn chiếu sáng, các doanh nghiệp, cửa hàng không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền vào ban đêm.
Đức tắt đèn tượng đài tại Cổng Brandenburg, thủ đô Berlin vào ban đêm. Ảnh: REUTERS |
Chính phủ Đức cũng lên kế hoạch cấm sưởi ấm tại các bể bơi tư nhân.
Dự kiến, những quy định này sẽ áp dụng trong 6 tháng, chính phủ Đức hy vọng sẽ giảm mức sử dụng khí đốt khoảng 2% để giúp Đức vượt qua mùa đông.
Ý
Theo Reuters, Ý có kế hoạch giảm hệ thống sưởi trong nhà và trong cơ sở kinh doanh để giúp cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt.
Cụ thể, theo một kế hoạch được chính phủ Ý công bố ngày 6-9, nhiệt độ sưởi ấm tối đa trong các khu chung cư và các tòa nhà công cộng sẽ được điều chỉnh ở mức 19 độ C, thấp hơn một độ C so với trước đây. Đối với các cơ sở công nghiệp là 17 độ C.
Ngoài ra, hệ thống sưởi sẽ được bật ít hơn một giờ mỗi ngày so với trước đây.
Chính phủ Ý cũng đang đàm phán với Tổng Liên đoàn Công nghiệp nước này để cắt giảm hơn nữa mức tiêu thụ khí đốt tự nguyện.
Ý hy vọng các biện pháp hạn chế sẽ cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt khoảng 3,2 tỉ mét khối trong giai đoạn từ tháng 8-2022 đến tháng 3-2023 và đặt mục tiêu cắt giảm thêm 2,1 tỉ mét khối bằng cách sử dụng các nguồn nhiên liệu thay thế.
Ý đã nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra nhưng đã nhanh chóng chuyển sang tìm kiếm các nguồn cung thay thế và giảm bớt sự phụ thuộc vào Moscow.
Pháp
Hãng tin AP đưa tin, ngày 5-9 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi giảm mạnh 10% việc sử dụng năng lượng của nước này trong những tuần và tháng tới để tránh nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu trong mùa đông.
Tổng thống Macron cảnh báo rằng trong những tháng tới nếu những nỗ lực tiết kiệm năng lượng tự nguyện không đủ thì việc tiết kiệm năng lượng bắt buộc có thể sẽ được xem xét.
Ông cho biết các kế hoạch phân bổ năng lượng đang được chuẩn bị và “việc cắt giảm được xem như phương sách cuối cùng”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau hội nghị về cuộc khủng hoảng năng lượng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 5-9. Ảnh: AP |
Tổng thống Pháp nói tại một cuộc họp báo rằng “Năng lượng tốt nhất là năng lượng mà chúng ta không tiêu thụ”.
Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả việc giảm hệ thống sưởi và điều hòa không khí.
Tây Ban Nha
Trang The Local.es đưa tin rằng ngày 25-8 Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua nghị định về tiết kiệm năng lượng do chính phủ nước này đề ra.
Theo nghị định của chính phủ, điều hòa không khí phải đặt ở nhiệt độ tối thiểu là 27 độ C trong những tháng nóng nhất trong năm. Quy định áp dụng ở mọi địa điểm, từ phương tiện giao thông công cộng đến cửa hàng, văn phòng, nhà hát và rạp chiếu phim.
Tương tự, nhiệt độ sưởi ấm tối đa trong những tháng mùa đông là 19 độ C.
Nghị định cũng yêu cầu từ 10 giờ tối các cửa hàng phải tắt đèn cửa sổ, các tòa nhà công cộng cũng phải tắt đèn.
Đến cuối tháng 9, bất kỳ cơ sở nào sử dụng máy lạnh hoặc hệ thống sưởi đều phải lắp đặt hệ thống cửa đóng mở tự động để tránh lãng phí điện.
Tây Ban Nha hầu như không sử dụng khí đốt của Nga, nhưng bằng cách giảm sử dụng năng lượng, chính phủ nước này hy vọng sẽ nhường lại lượng khí đốt mà Madrid mua từ các quốc gia khác cho các nước đang cố gắng cắt giảm nhiên liệu Nga.