Các nước EU tìm cách lo cho người tị nạn Ukraine

(PLO)- Các nước tuyến đầu giáp biên giới Ukraine đang chịu áp lực gồng gánh khoảng 7 triệu người tị nạn Ukraine và đang rất cần sự tiếp sức mạnh và nhanh của EU.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đã có gần 7 triệu người Ukraine rời bỏ đất nước kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước này hơn ba tháng trước, trang tin Euronews dẫn ước tính của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.

Điểm đến của người tị nạn Ukraine là các nước láng giềng, mà nhiều nhất là Ba Lan (hơn 3,5 triệu), Romania (khoảng 1 triệu), Nga (khoảng 900.000), Hungary (hơn 600.000), Moldova (gần 500.000), Slovakia (gần 450.000), Belarus (30.000). Quy mô và tính chất xung đột đã khiến Liên minh châu Âu (EU) có một quyết định lịch sử là cho phép người tị nạn Ukraine được sống và làm việc trên khắp EU tối đa ba năm.

Người tị nạn Ukraine đến cửa khẩu Medyka của Ba Lan vào tháng trước. Ảnh: GETTY IMAGES

Người tị nạn Ukraine đến cửa khẩu Medyka của Ba Lan vào tháng trước. Ảnh: GETTY IMAGES

Khó khăn của các nước tuyến đầu giáp Ukraine

Sau khi sang các nước tuyến đầu giáp biên giới, một số lượng người Ukraine sau đó sẽ đến các quốc gia khác ở châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, áp lực và gánh nặng lớn nhất đang thuộc về các nước giáp biên Ukraine.

Tại Ba Lan - điểm đến người tị nạn Ukraine lựa chọn nhiều nhất, khoảng 80% người tị nạn Ukraine hiện tá túc trong nhà riêng của người dân Ba Lan. Chính phủ Ba Lan cung cấp miễn phí cho người tị nạn Ukraine các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Ba Lan ước tính rằng trong 3,5 triệu người Ukraine sang tị nạn có khoảng một nửa sẽ cân nhắc lập nghiệp lâu dài ở đất nước này. Trao đổi với hãng tin quốc gia Ba Lan PPA tuần trước, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Pawel Szefernaker ước tính rằng Ba Lan sẽ phải gánh chịu chi phí hàng tỉ euro để tiếp đón và lo cho người tị nạn Ukraine.

Với Romania - điểm đến lớn thứ hai của người tị nạn Ukraine sau Ba Lan thì quản lý dòng người tị nạn Ukraine là một thách thức lớn đối với đất nước này, theo Euronews. Nhiều địa điểm công cộng như nhà ga xe lửa chính ở thủ đô Bucharest đã được chuyển thành trung tâm dành cho người tị nạn.

Chính phủ Romania đã sớm điều chỉnh luật để tất cả trẻ em tị nạn Ukraine có thể có các quyền như trẻ em Romania. Bộ trưởng Giáo dục Romania - Sorin Mihai Cîmpeanu giải thích cách thức dự án cải cách giáo dục của đất nước, được gọi là “Romania được giáo dục”, là để giúp trẻ em Ukraine được tiếp tục đi học. Các tình nguyện viên đang rất bận rộn sắp xếp mở các lớp học bằng tiếng Ukraine cho trẻ.

Chính phủ Romania ước tính đã chi gần 72 triệu euro trợ giúp khẩn cấp kể từ đầu cuộc chiến chưa thấy hồi kết ở Ukraine. Tuy nhiên, Điều phối viên Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Romania Leonardo Andreescu nói ông không nghĩ rằng các nhà chức trách Romania và toàn xã hội Romania sẽ có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng ở quy mô như vậy trong một thời gian dài “trừ khi chúng tôi nhận được hỗ trợ từ nước ngoài”.

Cần EU nhanh chóng tiếp sức

Theo Euronews, chuyện các nước tuyến đầu bị áp lực vì nhận thấy gánh nặng tài chính công bị kéo dài là điều có thể hiểu được và cần sự tiếp sức mạnh và nhanh của EU.

Tại sao EU không chi khoản mới để hỗ trợ người tị nạn Ukraine mà lại dùng tiền được phân bổ lại từ ngân sách khác? Tổng giám đốc Bộ phận Việc làm - Các vấn đề xã hội và hòa nhập của Ủy ban châu Âu Joost Korte giải thích rằng khoản ngân sách này bắt đầu từ năm 2021 và kéo dài bảy năm, vào thời điểm thương lượng quyết định ngân sách không ai lường được rằng “sẽ có một trận chiến ở châu Âu”.

Cũng theo Euronews, để trợ giúp các nước trong khối, tới thời điểm này EU đã giải phóng hàng tỉ euro tiền chưa sử dụng tới cho các khu vực của châu Âu. Được gọi là quỹ gắn kết, số tiền này bao gồm tiền từ quỹ xã hội châu Âu và quỹ châu Âu cho những người cần nhất (FEAD). Số tiền này hiện có thể được chi cho việc trợ giúp khẩn cấp cho người tị nạn Ukraine, như chi cho chỗ ở tạm thời, thức ăn, chăn màn và quần áo cũng như các dịch vụ bao gồm tư vấn tâm lý, chăm sóc y tế và giáo dục. Các nước có thể đòi lại từ quỹ gắn kết này số tiền đã chi từ đầu cuộc chiến.

Ngoài ra, EU có sẵn 10 tỉ euro từ quỹ phục hồi đại dịch được gọi là REACT-EU. 3,5 tỉ euro đã được trả cho các quốc gia thành viên, nước nào có nhiều người tị nạn nhất nhận được phần nhiều trong số này.

Tổng giám đốc Bộ phận việc làm - các vấn đề xã hội và hòa nhập của Ủy ban châu Âu Joost Korte khẳng định rằng Ủy ban châu Âu (cơ quan điều hành của EU) chủ trương nhanh chóng giải phóng tiền và khuyến khích các quốc gia thành viên sử dụng số tiền trong quỹ gắn kết này. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Anittaa Hipper cũng khẳng định rằng các thỏa thuận hỗ trợ các nước đón tiếp người tị nạn Ukraine phải được giải quyết.

Song đài RT dẫn lời Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Pawel Szefernaker ngày 29-5, số tiền mà Ủy ban châu Âu hứa sẽ hỗ trợ cho Ba Lan là 144,6 triệu euro - một con số rất nhỏ so với chi phí mà nước này phải gánh vác khi tiếp đón dòng người tị nạn Ukraine ồ ạt kéo sang - đến thời điểm này vẫn chưa đến. Theo ông, ngay cả khi số tiền đó đến cũng không đáp ứng được nhu cầu tài chính của Ba Lan, vì “ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rằng sự trợ giúp mà chúng tôi chi ra lên tới hàng tỉ chứ không phải hàng triệu euro” và “viện trợ của EU cho các quốc gia giúp đỡ người tị nạn cũng nên lên tới hàng tỉ euro”.•

Nhiều chương trình hỗ trợ người tị nạn Ukraine sắp hết hạn

Không còn miễn phí di chuyển. Từ tháng tới, Công ty đường sắt Deutsche Bahn của Đức sẽ không còn cung cấp vé miễn phí cho bất kỳ ai có hộ chiếu Ukraine nữa. Hồi tháng 3, công ty độc quyền đường sắt cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí cho những người mang hộ chiếu Ukraine đến các TP lớn của Đức như Berlin, Dresden, Nuremberg và Munich. Bulgaria, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Thụy Sĩ cũng đã đưa ra quyết định tương tự. Ba Lan sẽ giữ một số chuyến tàu miễn phí cho những người Ukraine dễ bị tổn thương, chẳng hạn người cao tuổi, phụ nữ và người tàn tật.

Di dời chỗ tá túc. Hàng ngàn người tị nạn Ukraine ban đầu được sắp xếp ở tại các khách sạn bên bờ biển ở các nước châu Âu. Hiện du lịch dần được khôi phục, nhiều nước cần lấy lại số khách sạn này để đón khách. Chẳng hạn tại Tây Ban Nha hiện có tới 12.000 người tị nạn Ukraine đối mặt khả năng phải dời chỗ ở, theo tờ El Pais. Tại Bulgaria, khoảng 38.000 người đã được yêu cầu chuyển ra khỏi các khách sạn vào cuối tháng 5, theo đài Radio Bulgaria.

Cắt giảm phúc lợi. Một số quốc gia sở tại cũng đang giảm viện trợ tiền mặt cho người tị nạn. Ở Bulgaria, mức trợ cấp hằng ngày sẽ giảm từ khoảng 22 USD/người xuống còn 8 USD/người vào tháng tới. Cộng hòa Czech sẽ không còn trả khoản phúc lợi 217 USD mỗi tháng/người Ukraine và đang khuyến khích người tị nạn Ukraine kiếm việc làm hoặc có nguy cơ bị mất các quyền lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm