Các nước khác làm thế nào để không xảy ra xả súng thường xuyên như Mỹ?

(PLO)- Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận những vụ xả súng kinh hoàng ở Mỹ “hiếm khi xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đài ABC (Úc), Tổng thống Biden đã đúng, các nước khác đều xảy ra xả súng hàng loạt nhưng không nơi nào thường xuyên như Mỹ. Vậy các nước đã phản ứng thế nào khi xảy ra các vụ xả súng kinh hoàng, để hạn chế thảm họa đó tái diễn?

Tại New Zealand, tháng 3-2019, một tay súng người Úc xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch làm 51 người chết. New Zealand phản ứng rất nhanh. Chưa đầy hai tuần sau, Quốc hội New Zealand giới thiệu dự luật cấm bán và cấm lưu hành vũ khí bán tự động. Chưa đầy hai tuần tiếp, dự luật được thông qua thành luật. Sáu tháng sau, Quốc hội New Zealand đưa ra “dự luật pháp luật về vũ khí” với các điều luật chặt chẽ hơn về quyền sở hữu, cấp phép và lưu trữ vũ khí. Không có một vụ xả súng hàng loạt nào được báo cáo ở New Zealand kể từ đó.

Tại Na Uy, năm 2011, một phần tử cực hữu bắn chết 69 người tại một trại thanh niên của đảng Lao động trên đảo Uteoya sau khi thực hiện vụ đánh bom xe hơi ở Oslo giết chết tám người. Dù không nhanh bằng New Zealand nhưng Na Uy cũng ra được lệnh cấm bán vũ khí bán tự động bảy năm sau đó, tức năm 2018. Na Uy được xếp hạng trong số các quốc gia an toàn nhất trên thế giới khi so sánh tỉ lệ bạo lực súng đạn, mặc dù có tỉ lệ sở hữu súng tương đương với Mỹ.

Tại Úc, tháng 4-1996 xảy ra vụ thảm sát ở TP Port Arthur thuộc bang Tasmania làm 35 người chết. Úc chỉ mất vài ngày để thống nhất ra luật với các nội dung: Cấm sử dụng và bán vũ khí bán tự động trong phần lớn các trường hợp; giấy phép sử dụng súng chỉ có thể được cấp cho những người trên 18 tuổi; “tự vệ” không còn là lý do độc lập hợp lệ để mua súng… và nhiều nội dung chặt chẽ khác. Từ đó đến nay, ở Úc vẫn xảy ra thêm bốn vụ xả súng với tổng cộng 10 người chết. Tuy nhiên, con số này ít nếu so với con số 45.222 người chết vì súng đạn ở Mỹ chỉ trong năm 2020, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố.

Tại Anh, năm 1996 xảy ra vụ thảm sát tại trường tiểu học ở Dunblane (TP Glasgow) làm 16 trẻ em và một giáo viên thiệt mạng. Sau thảm kịch, Anh đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với luật súng, bao gồm cả việc cấm sở hữu tư nhân đối với súng ngắn trong phần lớn các trường hợp. Chết vì súng ống vẫn chưa chấm dứt hẳn ở Anh. Từ tháng 4-2019 đến tháng 3-2020, có 30 người chết vì giết người bằng súng ở Anh và xứ Wales, một con số khá nhỏ so với ở Mỹ.

Tại Canada, chính phủ nước này tuần trước vừa đưa ra dự thảo luật cấm nhập khẩu, mua hoặc bán súng ngắn, dự kiến ​​sẽ ban hành thành luật vào cuối năm nay. Theo Bộ trưởng Bộ Chuẩn bị khẩn cấp Bill Blair thì “ở Canada, quyền sở hữu súng là một đặc quyền, không phải là một quyền lợi”, “đây là nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của chúng tôi với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các đồng nghiệp và bạn bè của chúng tôi ở phía nam” (Canada giáp Mỹ ở phía nam).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm