Các nước nào đang cấm xuất khẩu gạo và tác động ra sao?

(PLO)- Quyết định cấm xuất khẩu gạo từ nhiều nước như Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Nga tác động thế nào đến thị trường toàn cầu?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia kinh tế nhận định việc một số nước gần đây ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể tác động đến giá cả và nguồn cung lương thực toàn cầu.

Các nước nào đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo?

Ngày 20-7, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng các loại trừ gạo Basmati (loại gạo phổ biến tại Nam Á) với lý do “đảm bảo nguồn cung tại và ngăn chặn đà tăng giá tại thị trường nội địa”, hãng Reuters đưa tin.

Ấn Độ cho biết lệnh cấm được đưa ra sau khi giá gạo bán lẻ trong nước trong tháng 7 tăng 3% so trong tháng 6, và tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2022. Động thái này bổ sung cho các hạn chế xuất khẩu gạo mà Ấn Độ đặt ra trước đó. Cụ thể, năm 2022, nước này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% ​​đối với các loại gạo khác ngoài Basmati.

Nông dân làm việc trên cánh đồng ở quận Nagaon, bang Assam (Ấn Độ) ngày 20-7. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Nông dân làm việc trên cánh đồng ở quận Nagaon, bang Assam (Ấn Độ) ngày 20-7. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Tiếp sau đó, ngày 28-7, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thông báo ngưng xuất khẩu gạo trong 4 tháng, theo hãng thông tấn WAM (UAE).

Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28-7 và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo trắng và gạo tấm. Theo Bộ Kinh tế UAE, các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo phải xin giấy phép xuất khẩu.

Mỗi năm, UAE phải nhập khẩu tới 90% lương thực. Các siêu thị và nhà cung cấp gạo tại UAE dự báo quyết định trên sẽ khiến giá gạo tăng lên.

Chính phủ Nga ngày 29-7 cũng thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay nhằm ổn định thị trường nội địa, theo đài RT.

“Chính phủ tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến. Hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31-12-2023. Quyết định được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa” - chính phủ Nga cho biết trên Telegram.

Nga cho biết lệnh cấm không áp dụng với các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) cũng như Abkhazia và South Ossetia (hai vùng lãnh thổ tuyên bố ly khai khỏi Georgia vào những năm 1990). Ngoài ra, gạo vẫn có thể được vận chuyển ra nước ngoài cho mục đích viện trợ nhân đạo.

Tác động tiềm tàng từ các lệnh cấm

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI), lệnh cấm mới nhất từ Ấn Độ và một số nước có thể gây ra rủi ro về sự tăng giá gạo toàn cầu cao và nguy cơ mất an ninh lương thực.

Đến hiện tại, tác động cụ thể từ lệnh cấm từ các lệnh cấm chưa rõ ràng. IFPRI cho rằng tác động này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Một người xem gói gạo Basmati của Ấn Độ trong một siêu thị ở Dubai (UAE). Ảnh: AFP
Một người xem gói gạo Basmati của Ấn Độ trong một siêu thị ở Dubai (UAE). Ảnh: AFP

Yếu tố đầu tiên là mức độ nghiêm ngặt của các hạn chế xuất khẩu. Nếu các lệnh cấm chỉ là tạm thời thì tác động của nó đến giá cả thị trường có thể không quá lớn bởi vì so với các loại ngũ cốc khác, gạo được giao dịch tương đối ít trên thị trường toàn cầu, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng toàn cầu, so với 16% của ngô, 27% của lúa mì và 42% của đậu tương.

Yếu tố thứ hai là diễn biến thời tiết. Nếu hiện tượng El Niño tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực, lệnh cấm của các nước sẽ gây áp lực đáng kể lên nguồn cung lương thực thế giới.

Yếu tố thứ ba là mức độ “lây lan” từ các động thái trên đối với các nước xuất khẩu gạo khác. Nếu các quốc gia khác dựa trên lệnh cấm của Ấn Độ, Nga, UAE để ban hành các hạn chế xuất khẩu tương tự, thị trường toàn cầu có thể sẽ phản ứng mạnh hơn.

Lương thực toàn cầu 2023: Sản lượng tăng, nhập khẩu giảm

Báo cáo Triển vọng Lương thực Toàn cầu công bố ngày 15-6 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo mức nhập khẩu lương thực thế giới sẽ tăng trong năm 2023 nhưng cân bằng cung - cầu sẽ bấp bênh.

Báo cáo ước tính thương mại lương thực toàn cầu sẽ đạt 1.980 tỉ USD vào năm 2023, tăng 1,5% so với năm 2022.

Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng trong sản lượng, FAO dự đoán mức độ nhập khẩu lương thực thế giới sẽ ít hơn rất nhiều so với các năm trước do nhu cầu giảm, xuất phát từ việc giá cả toàn cầu tăng cao.

Theo FAO, trong khi nhập khẩu lương thực của các nước phát triển tiếp tục tăng, nhập khẩu của nhóm nước kém phát triển được dự đoán sẽ giảm 1,5% trong năm nay và các nước đang phát triển sẽ giảm 4,9%.

“Sự sụt giảm về khối lượng nhập khẩu thực phẩm ở hai nhóm kém phát triển và đang phát triển là đáng lo ngại, cho thấy áp lực chi phí sinh hoạt có thể vẫn xảy ra trong năm 2023” - theo báo cáo của FAO.

Nhà kinh tế cấp cao của FAO - ông El-Mamoun Amrouk cảnh báo rằng giá lương thực tăng cao có thể dẫn đến bất ổn xã hội và gia tăng thách thức tài chính. Ông kêu gọi chính phủ các nước thực hiện những biện pháp can thiệp thích hợp để chống lạm phát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm