Các nước quy định cấp căn cước công dân cho trẻ em ra sao?

(PLO)- Mỗi nước có quy định khác nhau về độ tuổi bắt buộc phải có căn cước công dân (CCCD) đối với trẻ em.  
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất các quy định về cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu. Vậy ở các nước, quy định cấp CCCD cho trẻ em ra sao? Độ tuổi nào thì bắt buộc phải có CCCD?

Đức

Theo Bộ Tư pháp Đức, người Đức như định nghĩa trong điều 116 (1) Luật Cơ bản phải có CCCD khi đủ 16 tuổi. Trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi cũng có thể làm CCCD nếu muốn, nhưng CCCD sẽ không có chức năng định danh điện tử (eID), là chức năng tích hợp các thông tin cá nhân để tiện giao dịch thương mại cũng như làm giấy tờ thủ tục.

Mẫu CCCD của Đức. Ảnh: Bundesdruckerei GmbH

Mẫu CCCD của Đức. Ảnh: Bundesdruckerei GmbH

Đối với trẻ dưới 16 tuổi thì người duy nhất có thể nộp đơn thay mặt những đối tượng này là người giám hộ sống cùng. Sau sinh nhật thứ 16 và trước sinh nhật thứ 18, người giám hộ phải nộp đơn xin cấp CCCD nếu trẻ không nộp đơn.

Thẻ CCCD của Đức có hiệu lực trong 10 năm khi cấp từ 24 tuổi trở lên và có hiệu lực 6 năm nếu được cấp trước 24 tuổi.

Singapore

CCCD là giấy tờ bắt buộc mà công dân và thường trú nhân Singapore phải đăng ký khi đủ 15 tuổi, tức là trước sinh nhật lần thứ 16, theo Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Singapore (ICA).

Ngoài việc đăng ký trực tuyến nói trên, việc đăng ký sinh trắc học là bắt buộc. Đối với công dân Singapore và thường trú nhân theo học tại các trường công lập hoặc trường do chính phủ hỗ trợ, việc đăng ký sinh trắc học sẽ được thực hiện tại các trường vào một ngày được chỉ định.

Đối với công dân Singapore và thường trú nhân, những người không theo học trường công lập hoặc trường do chính phủ hỗ trợ hoặc những người lỡ ngày đăng ký lấy sinh trắc học sẽ được nhắc đặt lịch hẹn sau khi hoàn thành đơn đăng ký trực tuyến để đăng ký sinh trắc học trực tiếp tại Tòa nhà ICA.

Trung Quốc

Theo Quy định về CCCD của Trung Quốc (RIC), công dân Trung Quốc đủ 16 tuổi và cư trú Trung Quốc phải xin cấp thẻ CCCD.

CCCD Trung Quốc đại lục. Ảnh: WEIBO

CCCD Trung Quốc đại lục. Ảnh: WEIBO

CCCD có ba thời hạn khác nhau: 10 năm, 20 năm và không thời hạn. Người trong độ tuổi từ 16 đến 25 được cấp CCCD có giá trị 10 năm; người trong độ tuổi từ 26 đến 45 được cấp CCCD có giá trị 20 năm; trên 46 tuổi được cấp CCCD có giá trị không thời hạn.

Malaysia

Ở Malaysia, theo Quy định 3, Quy chế Đăng ký Quốc gia 1990 (sửa đổi năm 2007), mọi trẻ em đủ 12 tuổi và là công dân Malaysia đều bắt buộc đăng ký để được cấp CCCD hay còn gọi là MyKad.

MyKid là CCCD hoặc thẻ định danh có gắn chip dành cho trẻ em dưới 12 tuổi và là giấy tờ hỗ trợ để làm giấy khai sinh. MyKid cũng giống như MyKad nhưng không có ảnh và vân tay.

Mẫu MyKid của Malaysia. Nguồn: Facebook/Kelantan State/Yahoo News Malaysia/MyGOV

Mẫu MyKid của Malaysia. Nguồn: Facebook/Kelantan State/Yahoo News Malaysia/MyGOV

Số định danh trên MyKid sẽ được sử dụng trong mọi vấn đề từ khi một người sinh ra cho đến khi qua đời.

Chip điện tử trên MyKid chip chứa 3 thông tin chính là thông tin khai sinh, sức khỏe và giáo dục.

Lợi ích của việc sở hữu MyKid là giảm việc viết các mẫu đơn, giấy tờ trong tất cả các giao dịch với chính phủ hoặc các công ty tư nhân; được sử dụng trong khi giao dịch với các cơ quan chính phủ hoặc cơ quan như bệnh viện hoặc phòng khám để kiểm tra y tế, giáo dục mầm non; thông tin điện tử dễ dàng thay đổi, cập nhật; tiện lợi, dễ mang theo.

Hà Lan

Ở Hà Lan, nếu những người từ đủ 14 tuổi trở lên khi bị phát hiện không có giấy tờ tùy thân sẽ bị phạt. Với người 14, 15 tuổi, mức phạt là 50 euro, người 16 tuổi trở lên là 100 euro.

Giấy tờ tùy thân là một trong số giấy tờ: hộ chiếu, CCCD, giấy phép cư trú, bằng lái xe, hoặc giấy tờ do chính quyền Hà Lan cấp như giấy thông hành, giấy di chuyển tị nạn.

Trẻ em từ đủ 12 tuổi có thể đăng ký cấp CCCD, nếu đã có bằng chứng nhận dạng hợp lệ, ví dụ như chứng minh được là người Hà Lan, có hộ chiếu. Trong trường hợp đó, cha mẹ hoặc người giám hộ của họ không cần phải đi cùng.

Ngược lại, nếu trẻ không có giấy tờ tùy thân hợp lệ thì cha mẹ, người giám hộ phải đi cùng và chứng minh họ có quyền giám hộ hợp pháp với trẻ khi đăng ký cấp và nhận CCCD cùng. Trường hợp cha mẹ không ở cùng thì cần phải làm một số thủ tục, giấy tờ theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm