Đề xuất nhiều nội dung mới cho dự thảo Luật CCCD sửa đổi

(PLO)- Các đại biểu kiến nghị cần đánh giá, bổ sung thêm nhiều nội dung trong Luật CCCD sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật CCCD sửa đổi. Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có góp ý và bàn về những điểm mới của dự thảo này như lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin trên CCCD, quê quán, nơi thường trú; bổ sung quy định về cấp CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi...

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM Ung Thị Xuân Hương nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM Ung Thị Xuân Hương nêu ý kiến tại hội thảo.
Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Có sự lúng túng trong quản lý nhà nước

Nêu ý kiến tại hội thảo, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, bày tỏ sự nhất trí việc trình Quốc hội ban hành Luật CCCD sửa đổi trong năm 2023. Theo bà Hương, việc này sẽ giúp kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC)... thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, bà nhìn nhận việc thay đổi nhiều lần từ CMND sang CCCD, CCCD gắn chip, sửa đổi luật... đã tạo sự lo lắng cho người dân. “Nhiều người vừa đi làm CCCD gắn chip xong, có người chưa kịp đi làm thì đã nghe thông tin thay đổi. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong vấn đề quản lý nhà nước” - bà Hương lý giải.

Góp ý về dự thảo Luật CCCD sửa đổi, bà Hương kiến nghị nên đánh giá lại tác động của việc thay đổi nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú trên CCCD thành nơi cư trú. Cụ thể, cần xem trong trường hợp người dân thay đổi nơi ở thì có ảnh hưởng đến công tác quản lý của cơ quan chức năng hay không; làm sao để phân biệt được quy định về thường trú và tạm trú; một số giao dịch yêu cầu thông tin nơi thường trú nhưng CCCD chỉ ghi nơi cư trú thì có được hay không...

Về đề xuất lược bỏ vân tay và đặc điểm nhận dạng trên CCCD, bà Hương đặt câu hỏi rằng việc này có gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý công dân hay không.

“Đặc biệt khi công dân thực hiện các giao dịch bắt buộc phải có đối chiếu với vân tay như công chứng mua bán nhà đất. Tôi nghĩ cần đánh giá kỹ tác động của việc này” - bà Hương nói và cho rằng việc lược bỏ dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng còn ảnh hưởng nhiều đến CSDLQGDC và CSDL CCCD.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cũng đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm về tính khả thi của việc bổ sung thông tin vào CSDLQGDC và tích hợp các thông tin cá nhân của người dân vào CCCD. Hiện nay, CSDL CCCD là một CSDL chuyên ngành do Bộ Công an quản lý nhưng đang có 16 thông tin trùng với thông tin của CSDLQGDC. “Tôi cho rằng cần bổ sung thêm những nguyên tắc kết nối giữa hai CSDL này để tránh phiền hà cho người dân” - bà Hương kiến nghị.

“Hiện CCCD điện tử đã tích hợp BHYT, giấy phép lái xe… nếu người dân tiếp tục trì hoãn thì sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của mình.”

Bà Huỳnh Thị Thu Trang, Phó Trưởng Công an quận 8

Tuyên truyền để người dân sớm đi làm CCCD

Bà Huỳnh Thị Thu Trang, Phó Trưởng Công an quận 8, kiến nghị khi sửa đổi Luật CCCD cần làm rõ việc thu hồi CMND cũ sẽ bàn giao về cho đơn vị nào. “Luật quy định CMND cũ khi thu hồi sẽ chuyển giao lại cho cơ quan quản lý CCCD nhưng không nói rõ cấp nào, là tỉnh hay quận?” - bà Trang đặt vấn đề và kiến nghị bổ sung thêm nội dung này.

Về đề xuất CMND sử dụng đến hết ngày 31-12-2024, bà Trang bày tỏ sự đồng tình. Nêu thực tế, nhiều người dân dù được cơ quan địa phương đến tận nhà để vận động đi làm CCCD nhưng vẫn trì hoãn.

“Hiện CCCD điện tử đã tích hợp BHYT, giấy phép lái xe... nếu người dân tiếp tục trì hoãn thì sẽ ảnh hưởng đến chính quyền lợi của mình. Tôi nghĩ cần có quy định để người dân đi làm CCCD” - bà Trang nói.•

TP.HCM đã cấp CCCD cho gần 10 triệu trường hợp

Thượng tá Hồ Thị Lành, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, thông tin tính đến ngày 4-4-2023, Công an TP đã tiếp nhận, giải quyết cấp CCCD cho gần 10 triệu trường hợp, trong đó có hơn 2,7 triệu CCCD mã vạch, gần 7,2 triệu CCCD gắn chip điện tử và khoảng 1,8 triệu tài khoản định danh điện tử.

“Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện Đề án 06, phục vụ công tác cải cách hành chính, phục vụ quyền lợi chính đáng cho người dân, doanh nghiệp” - Thượng tá Lành nhận định.

Cũng theo Thượng tá Lành, hiện TP.HCM có 742 nhân khẩu được cho thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy quốc tịch, bị hủy quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; 194 trường hợp chưa xác định được quốc tịch. Những trường hợp này đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện giao dịch thủ tục hành chính do không có giấy tờ theo quy định.

“Do vậy TP nhận thấy việc cấp giấy xác nhận CMND, CCCD cho người gốc Việt Nam sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, giúp việc quản lý nhà nước tốt hơn, phát huy tác dụng của CCCD trong hoạt động Chính phủ số, xã hội số” - Thượng tá Lành nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm