Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cuối tháng 11, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, giảm từ 5,9% của năm 2021, khả năng sẽ chỉ tăng khiêm tốn 2,2% trong năm 2023. OECD cảnh báo triển vọng kinh tế 2023 “rất thách thức”, với các yếu tố lãi suất cao, lạm phát, trừng phạt, xung đột Nga - Ukraine.
Phương Tây nỗ lực tránh suy thoái
Tuần rồi, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết vẫn sẽ duy trì tăng lãi suất nhưng mức tăng sẽ nhẹ hơn, theo hãng tin Reuters. Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong tháng 12 - nhẹ hơn sau bốn lần tăng 0,75% liên tiếp, giảm xuống mức 0,25% vào tháng 2 và tháng 3. Theo ông Powell, “chậm lại vào thời điểm này là một cách tốt để cân bằng rủi ro”. Thị trường tài chính có tín hiệu phục hồi sau thông báo của ông Powell.
TQ sẽ tiếp tục thực hiện mở cửa rộng hơn và sâu hơn trên quy mô lớn hơn và xây dựng một hệ thống kinh tế mở ở cấp độ cao hơn để tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ TRIỆU LẬP KIÊN
Giữa tháng 8, Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát - vốn được coi là bước đột phá về chính sách của Mỹ. Trong 430 tỉ USD trị giá của đạo luật có tới 369 tỉ USD được duyệt đầu tư vào các chính sách khí hậu và năng lượng, như miễn trừ thuế đối với xe điện sản xuất ở Bắc Mỹ, hỗ trợ chuỗi cung ứng pin trong nước.
Đạo luật Giảm lạm phát có tiềm năng tạo việc làm cho ngành sản xuất của Mỹ. Từ lúc còn là dự luật mới qua được cửa Hạ viện Mỹ, các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp pin ở châu Á đồng loạt công bố các kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ. Nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor sẽ đầu tư 5,5 tỉ USD xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện và pin ở bang Georgia. Samsung SDI cũng sẽ xây một nhà máy pin ở Mỹ. Panasonic Holdings sẽ mở nhà máy sản xuất pin thứ hai ở Mỹ để cung cấp cho Tesla.
Với châu Âu, mối lo lớn nhất là khủng hoảng giá cả, nguồn cung năng lượng và các nước đang tích cực tìm nguồn thay thế Nga. Chẳng hạn Đức tuần rồi đã ký hợp đồng mua khí đốt từ Qatar với thời hạn 15 năm. Nếu Đạo luật Giảm lạm phát mang tính đột phá với Mỹ thì lại là nỗi đau đầu của châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) lo ngại những ưu đãi Mỹ dành cho lĩnh vực xe điện trong nước có thể ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe điện châu Âu.
Hiện EU đang khẩn trương lập kế hoạch hỗ trợ các ngành công nghiệp cốt lõi của mình. EU có thể yêu cầu các nhà sản xuất châu Âu sử dụng các sản phẩm hoặc công nghệ sản xuất trong nước để họ đủ điều kiện nhận trợ cấp của các chính phủ EU. Biện pháp này đi ngược lại quy tắc thương mại tự do truyền thống, tuy nhiên sự can thiệp triệt để này được coi là cần thiết với Đức, Pháp và cả EU để tránh làn sóng các khoản đầu tư giá trị cao từ châu Âu chảy sang Mỹ, do các cải cách trợ cấp và thuế của Mỹ cũng như giá năng lượng cao hơn ở châu Âu.
Người dân Mỹ bắt đầu chi tiêu nhiều hơn khi lạm phát có xu hướng giảm dần. Ảnh: REUTERS |
Châu Á không chủ quan
Nhật - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn đang phục hồi với tốc độ “vừa phải”, theo báo cáo kinh tế tháng 11 của Văn phòng Nội các Nhật. Phần lớn nhờ nhu cầu dịch vụ bùng nổ sau dịch hỗ trợ tiêu dùng tư nhân mặc dù lạm phát gia tăng, theo tờ Japan Times. Người tiêu dùng ở Nhật đang tăng chi tiêu cho dịch vụ, ăn uống và du lịch. Sự sôi động của mảng dịch vụ dường như được hỗ trợ từ chương trình giảm giá du lịch nội địa mà Nhật áp dụng vào tháng 10 để phục hồi ngành du lịch đang gặp khó.
Trong bối cảnh nhiều nước tăng lãi suất thì Ngân hàng Trung ương Nhật vẫn cam kết thực hiện chính sách lãi suất thấp dù lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 10. Nhật vạch ra một gói kinh tế toàn diện để giảm khó khăn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp do giá cả tăng cũng như hỗ trợ sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh. Nhật đang tính toán ban hành một khoản ngân sách bổ sung khoảng 29.000 tỉ yen (209 tỉ USD) cho năm tài chính hiện tại để tài trợ cho gói kinh tế này.
Nhật tiếp tục cảnh báo về sự biến động trên thị trường tài chính sau khi đồng yen giảm mạnh so với đồng USD. Nhật đã chi kỷ lục 6.350 tỉ yen (45,6 tỉ USD) can thiệp tiền tệ vào tháng trước khi đồng yen giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD.
Trung Quốc (TQ) - gặp khó một phần do sụt giảm ở thị trường bất động sản, chính sách “zero COVID” làm gián đoạn hoạt động thương mại. Tờ South China Morning Post dẫn lo ngại của bà Lưu Huệ Dương, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Học viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của TQ, rằng một số yếu tố như nhu cầu bên ngoài chậm lại, mất dần lợi thế chuỗi cung ứng có thể là những thách thức chính đối với TQ trong năm tới.
Theo bà Lưu, khi tình trạng bế tắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu giảm bớt, TQ có thể mất đi lợi thế mà nước này đã có được. Sự phục hồi kinh tế của TQ trong năm tới sẽ không chỉ bị hạn chế vì “zero COVID” mà còn bởi các yếu tố bên ngoài như căng thẳng địa chính trị. Các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đang đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi TQ.
Tuy thế theo ông Kinger Lau, chiến lược gia trưởng về chứng khoán TQ tại Goldman Sachs, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể phục hồi từ 3,0% năm 2022 lên 4,5% vào năm 2023, vẫn khá hấp dẫn so với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu.•
Đạo luật Giảm lạm phát, liệu Mỹ có nhường EU?
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết EU đang nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ liên quan Đạo luật Giảm lạm phát mà ông cho rằng có thể gây bất lợi cho các công ty châu Âu và thu hút đầu tư ra khỏi lục địa này, theo hãng tin Reuters. Theo ông Habeck, từ quan điểm của EU, đạo luật này vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và không thể được chấp nhận trong dài hạn.
Trao đổi với kênh CNBC, ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết khối đã “lập nhóm đặc biệt để giải quyết vấn đề này”, “đang tập trung tìm giải pháp thương lượng” và “hy vọng phía Mỹ sẵn sàng giải quyết những quan ngại của EU”. Bộ trưởng Habeck lạc quan rằng tranh chấp phải được giải quyết trong những tuần tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà đã nghe về những quan ngại của EU nhưng khẳng định khả năng Mỹ điều chỉnh đạo luật là không có.