Các thế hệ bộ đội Trường Sơn tiễn biệt tướng Đồng Sỹ Nguyên

Sáng 10-4, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, UB Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, bộ đội thuộc Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam và nhân dân đã tiễn biệt vị tướng Trường Sơn huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên.

Trên trang truyền thống của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam, thông tin Đoàn đại biểu hơn 200 tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao, cán bộ, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cùng Hội Trường Sơn Bắc Giang, Thái Bình, Hòa Bình, Cao Bằng, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên, TP.HCM...  đã đến tiển biệt vị Tư lệnh kính yêu của mình.

Chia sẻ với phóng viên PLO, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, chia sẻ các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, bộ đội, thanh niên xung phong nghiêng mình tiễn biệt thủ trưởng tài ba, bám trụ lâu nhất trên dãy Trường Sơn, để lại biết bao kỷ niệm ân tình với biết bao thế hệ bộ đội Trường Sơn.

Khẩu hiệu của Bộ đội Trường Sơn là "còn người, còn xe, còn hàng; máu có thể đổ, đường không thể tắc". Ảnh tư liệu

Tướng Hy cho hay tuyến chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam ra đời ngày 19-5, ngày sinh nhật Bác nên ban đầu đặt tên là Đoàn 559. Sau này tuyến chi viện phát triển thành mặt trận trọng yếu nên đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. 

Giai đoạn 1950-1960, đường mòn Trường Sơn có phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", hàng đi tính từng cân, quân đi tính từng người nên việc chi viện hạn chế cả thời gian và khối lượng vận chuyển thấp. 

Nhận ra hạn chế này, nên khi Trung ương điều ông Đồng Sỹ Nguyên về tiếp quản Đoàn 559 thì tuyến chi viện này được phát triển cả chiều dài và chiều rộng Đông sang Tây khoảng 20.000 km, đây là xương sống để cơ giới hóa vận tải. Theo đó, thay vì bí mật vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường miền Nam thì ông thay đổi phương châm "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", "địch đánh thì ra đánh lại", "địch đánh một ta làm mười", "máu có thể đổ, đường không thể tắc",...

Cùng với xương sống là tuyến chi viện, còn có hệ thống thông tin liên lạc dài 1.300 km xuyên suốt từ các binh trạm đến tận thủ đô Hà Nội, đường ống xăng dầu trên 1.400 km, đáng chú ý hệ thống đường ống xăng dầu có đường dây thông tin riêng để vận hành. 

Bộ Tư lệnh Trường Sơn lúc cao điểm gồm 12 vạn quân, hai sư đoàn ô tô, bốn sư đoàn công binh, một sư đoàn phòng không, bốn trung đoàn đường ống xăng dầu, hai trung đoàn thông tin, lực lượng thanh niên xung phong.

Tướng Hy bật mí, Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên được đối phương "chăm sóc" rất kĩ và không ít lần tướng Nguyên chết hụt mất lần. Lần cái chết cận kề diễn ra tại km số 3 đường 18. Khi ấy địch phát hiện sở chỉ huy nên tập trung B52 rải thảm trực diện ngay hầm chỉ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, may thay ông Nguyên bị thương. Trận rải thảm này phía ta hao tổn khá lớn, trong đó hi sinh nhiều là bộ đội phụ trách thông tin, sau này nghiên cứu nhận ra địch phát hiện qua hệ thống thông tin.  

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng trường Sĩ quan lục quân 2, bảo các thế hệ tướng lĩnh như ông, và bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn biết ơn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vô hạn. Ông Phong nhận xét, tướng Nguyên là người thẳng thắn, cương trực và yêu thương bộ đội hết mực, đặc biệt ông là người thương rừng. 

Trung tướng Lê Nam Phong, chia sẻ thế hệ tướng lĩnh như ông rất cảm phục Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã kiến tạo tuyến chi viện chiến lược đưa hàng hóa, thuốc men, vũ khí  vào tận chiến trường miền Nam. Ảnh: P.ĐIỀN

"Thế hệ tướng lĩnh già như tôi càng biết ơn ông, đã kiến tạo tuyến chi viện chiến lược như trận đồ bát quái giữa núi rừng Trường Sơn. Thông qua tuyến chi viện này hàng nghìn tấn hàng hóa, thuốc men, vũ khí, bộ đội vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Riêng tôi càng trân quý ông vì tôi đã có mặt trên tuyến đường này hơn bốn tháng để vào giải phóng miền Nam mùa Xuân 1975.", Trung tướng Lê Nam Phong, bùi ngùi. 

Còn cô Trần Thị Gắm quê Quảng Bình nguyên là nhân viên phục vụ binh trạm 16 thuộc đoàn 559 kể: Năm 1969 tôi cùng ba đồng nghiệp được cử lên phục vụ cho đoàn công tác của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở Lào. Trong đoàn công tác của bác Nguyên khi ấy còn có 6 vị tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao đi cùng. Những ngày lưu chân tại Lào tôi luôn khâm phục đức tính thương lính, chân thành của bác.

Thấy tôi thân gái giữa rừng thiêng nước độc, bác đã ân cần động viên và đứng ra mai mối, ghép tôi với tài xế riêng và hướng dẫn chụp ảnh chung với nhau để làm kỷ niệm. "Hay tin bác mất tôi rất buồn vì cận Tết vừa rồi tôi có gặp người thân của bác xin số điện thoại, nhủ lòng sẽ mạnh dạn gọi điện hỏi thăm sức khỏe thủ tưởng của mình, nào ngờ,....", cô Gắm xúc động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới