Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên mỗi ngày thải 5.000 tấn chất nguy hại

(PLO)- Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho hay, 16 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên thải ra 5.000 tấn chất thải nguy hại/ngày.

Đó là thông tin do Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cung cấp tại Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền TrungTây Nguyên diễn ra chiều 3-11 tại Đà Nẵng.

Cụ thể, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 16 tỉnh/TP (từ Quảng Bình đến Bình Thuận và năm tỉnh Tây Nguyên) khoảng 12.000 tấn/ngày.

Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng là nơi có tỉ lệ chất thải rắn được thu gom cao nhất (100%). Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên có tỉ lệ thu gom rất thấp, như Đắk Lắk chỉ đạt 46%.

Bên cạnh đó, tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn 16 tỉnh/TP khoảng 5.000 tấn/ngày.

Theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, năm 2022, tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom toàn vùng trung bình đạt khoảng 96,7%, xấp xỉ bằng tỉ lệ cả nước.

Đến hết năm 2022, toàn khu vực có đến 194 cụm công nghiệp (CCN) chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chỉ có 9 CCN lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.

Tỉ lệ CCN có hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100% chỉ có TP Đà Nẵng.

Nguyên nhân của tình trạng này là khu vực còn khó khăn về kinh tế, ít thu hút được nhà đầu tư vào CCN.

Công tác quy hoạch các CCN còn tràn lan, chưa theo đúng thực tế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đáng chú ý, theo quy định tại điều 52 Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất đến ngày 31-12-2023, các CCN phải hoàn thành hạ tầng bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế chưa có chuyển biến tích cực, tình hình đầu tư hạ tầng chưa khả quan.

“Các CCN không được tiếp nhận thêm dự án mới có phát sinh nước thải công nghiệp. Đây là thách thức rất lớn cho các địa phương”, báo cáo cho hay.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân. Ảnh: TẤN VIỆT

Tại hội nghị, Sở TN&MT các địa phương nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất. Trong đó có đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để thống nhất áp dụng trên cả nước.

Đồng thời cần ban hành quy định về việc sử dụng số tiền do doanh nghiệp ký quỹ trong khai thác khoáng sản để cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp doanh nghiệp chây ỳ không thực hiện.

Bởi hiện nay chỉ mới có quy định về việc hoàn trả lại tiền ký quỹ và việc sử dụng tiền ký quỹ trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng giải thể hoặc phá sản.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nước ta thời gian tới để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo ông Nhân, khu vực miền Trung – Tây Nguyên vẫn đang chịu áp lực từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức nên vấn đề môi trường diễn biến phức tạp.

“Qua tổng hợp từ nhiều kênh, không có ngày nào mà chúng tôi không nhận được thông tin cá chết chỗ này, hay nhà xưởng gây ô nhiễm chỗ kia khiến người dân phản ứng”, ông Nhân nói.

Ông Nhân đề nghị các địa phương không được chủ quan với những sự cố môi trường nhỏ. Cả khu vực cần thống nhất cách làm, hiến kế cùng nhau không để xảy ra sự cố môi trường trên từng địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới