Theo đó việc tổ chức, đánh giá phải nghiêm túc, khách quan, khoa học. Tất cả cơ sở giáo dục phải hoàn thành việc tự đánh giá, được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương thẩm tra, xác nhận và đủ điều kiện an toàn trước khi tổ chức hoạt động.
Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong một tiết học ngoài trời. Ảnh: NQ
Những đơn vị có nhiều chi nhánh, nhiều cơ sở phải thực hiện việc đánh giá đối với từng cơ sở.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động, trên cơ sở thực tiễn đơn vị mình, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm đạt TCAT cao nhất, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Quy trình thực hiện:
Các cơ sở giáo dục chủ động tự rà soát, đánh giá nghiêm túc, khách quan, hoàn thành trước 12 giờ ngày 29-4; Phòng GD&ĐT các quận, huyện tổng hợp, báo cáo về Sở GD&ĐT trước 14 giờ ngày 29-4.
Phòng GD&ĐT các quận, huyện phối hợp với y tế địa phương hướng dẫn, tổng hợp kết quả tự đánh giá và tổ chức phúc tra kết quả đánh giá các cơ sở giáo dục trên địa bàn, báo cáo Ban chỉ đạo quận, huyện và sở, hoàn thành trước 17 giờ ngày 2-5.
Tại văn bản, sở cũng hướng dẫn cách thực hiện các tiêu chí thành phần.
Tiêu chí thành phần 1 (TP1): Số lượng học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tập trung tối đa trong một thời điểm.
Cơ sở đánh giá là thời điểm nhà trường tập trung số lượng học sinh, giáo viên… đông nhất trong một buổi học. Nếu trường có số lượng học sinh đông, cần thực hiện các giải pháp lệch ca, lệch giờ, giảm số lớp học trong một buổi.
Tiêu chí thành phần 2 (TP2): Mật độ học sinh, giáo viên… tập trung trong phòng học, phòng làm việc.
Có thể tách lớp để thực hiện giãn cách, giãn số học sinh trong phòng học; bố trí vị trí ngồi học tất cả học sinh hướng về phía bảng, không quay mặt vào nhau, tạm thời không tổ chức học và thảo luận theo nhóm.
Tiêu chí thành phần 3 (TP3): Khoảng cách học sinh, giáo viên… ngoài phòng học.
Bố trí lực lượng nhân viên trực ở các khu vực để quản lý, nhắc nhở học sinh, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 m, không tập trung đông người; học sinh hạn chế tối đa việc di chuyển vào đầu giờ học, giờ đang học…
Tiêu chí thành phần 4 (TP4): Bố trí đầy đủ vòi nước, xà phòng ở những nơi thuận tiện, nhắc nhở học sinh thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ra, vào lớp… Mỗi phòng học trang bị dung dịch, nước sát khuẩn để học sinh sử dụng trong trường hợp không được rửa tay bằng xà phòng.
Bố trí đầy đủ nước uống cho giáo viên, học sinh, không dùng chung.
Tiêu chí thành phần 5 (TP5): Đảm bảo 100% học sinh (trừ học sinh mầm non), giáo viên… đeo khẩu trang trong trường, kiểm soát chặt ngay từ cổng trường.
Tiêu chí thành phần 6 (TP6): Đảm bảo tất cả mọi người đều phải được đo nhiệt độ khi vào trường. Đối với học sinh, thực hiện việc đo nhiệt độ đầu mỗi buổi học, theo đơn vị lớp.
Tiêu chí thành phần 7 (TP7): Tổ chức xe đưa rước được đánh giá theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch với hoạt động giao thông vận tải.
Tiêu chí thành phần 8 (TP8): Tổ chức hoạt động bán trú, căn tin được đánh giá theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Tiêu chí thành phần 9 (TP9): Phòng cách ly thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiêu chí thành phần 10 (TP10): Trường học có học sinh nội trú tổ chức hoạt động nội trú theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch tại cơ sở lưu trú du lịch.
Ngoài ra, văn bản cũng lưu ý các đơn vị thực hiện có hiệu quả “những việc cần làm” trong trường để phòng, chống dịch.
Tập huấn, giao nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên, nhân viên về cách sử dụng máy đo thân nhiệt; cách xử lý khi phát hiện học sinh bị sốt, ho, khó thở.
Ngày đầu tiên đi học, các đơn vị không tổ chức hoạt động học tập, tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn học sinh biện pháp phòng ngừa…
Tổ chức thực hiện lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi.
Nếu học sinh, giáo viên có biểu hiện ho, sốt phải nghỉ ở nhà, đồng thời đưa đến cơ sở để được tư vấn.
Nhà trường duy trì việc vệ sinh, tẩy trùng lớp theo quy định.