Xây dựng bộ tiêu chí để hoạt động lại bình thường

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch chiều 15-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh ngành y tế TP đã chủ động đầu tiên trong cả nước tổ chức giám sát tất cả khách đến TP, góp phần ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm… Ông Nhân đề nghị Sở TT&TT phối hợp với các nhà mạng thí điểm phần mềm giám sát đám đông, có thể thực hiện ở một số quận…

Từ bài học bước đầu của bộ tiêu chí đánh giá rủi ro doanh nghiệp (DN), hướng dẫn giải pháp của Sở Y tế đối với các bệnh viện của TP, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP tiếp tục có văn bản chỉ đạo ngành y tế, giáo dục tiếp tục xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn. Sau đó là các sở, ngành khác như Sở Du lịch, Sở Công Thương với các đối tượng như nhà hàng, chợ, siêu thị… đưa dần trở lại hoạt động bình thường với điều kiện giảm nguy cơ lây nhiễm.

“Phấn đấu từng ngành trước ngày 30-4 ra được bộ tiêu chí, thảo luận với các đơn vị trong ngành để qua tháng 5 bắt đầu triển khai. Như vậy sẽ dần dần chúng ta tiến hành trở lại hoạt động về kinh tế-xã hội với yêu cầu đảm bảo an toàn mùa dịch” - ông Nhân nói.

Chuẩn bị lên kế hoạch thời gian đi học cho học sinh

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu, đề xuất để UBND TP ban quyết định kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh và phụ huynh chủ động, đồng thời lên kế hoạch thời gian đi học cho học sinh.

Lý giải về động thái này, ông Liêm cho biết trước đây TP.HCM đã kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 19-4. Tuy nhiên, chỉ đạo mới của Thủ tướng kéo dài thời gian cách ly xã hội ở TP.HCM đến hết ngày 22-4. Do đó ông mới yêu cầu Sở GD&ĐT nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất thời gian tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Để tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết ngày 22-4 theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng, ông Liêm yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm, mạnh mẽ Chỉ thị 15 và 16. Trong đó, tiếp tục hạn chế tối đa đi ra ngoài, yêu cầu người dân ở trong nhà, nhất là những người trên 60 tuổi. Không tập trung quá hai người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của người dân, các DN. Các cơ sở lưu trú ngắn hạn, khách sạn tạm ngưng không nhận khách mới đến 0 giờ ngày 22-4.

TP.HCM tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết ngày 22-4. Trong ảnh:  Một cửa hàng ở TP.HCM chỉ phục vụ bán mang đi và luôn giữ khoảng cách 2 m để phòng dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các sở, ngành liên quan như giao thông vận tải, du lịch, văn hóa… tiếp tục chuẩn bị phương án riêng để ứng phó với tình hình dịch COVID-19, duy trì ổn định trên địa bàn.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã báo cáo về đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm của các DN trên địa bàn TP. Theo ông Bỉnh, qua việc rà soát đối với 22 DN có trên 3.000 người lao động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã xác định Công ty PouYuen là đơn vị duy nhất có mức độ rủi ro lây nhiễm cao. Do đó, ngày 15-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và UBND quận Bình Tân đã hoàn tất kế hoạch khắc phục để triển khai cùng đơn vị này. Qua giám sát, công ty này đã giảm quy mô sản xuất và giảm số lượng chở người lao động liên tỉnh. “Sáng 16-4, các ngành chức năng một lần nữa tới kiểm tra lại hoạt động sản xuất của Công ty PouYuen sau hai ngày dừng hoạt động để đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm” - ông Bỉnh nói.

66,6% bệnh nhân không có triệu chứng

Chiều 15-4, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, cho biết Hà Nội hiện có 114 ca mắc, 51 người đã khỏi bệnh. Trong đó có 74 ca được phát hiện tại cộng đồng, 13 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hạ Lôi, Mê Linh.

Thông tin về hai ca nhiễm mới, ông Hiền cho biết bệnh nhân số 266 có tiền sử tới BV Bạch Mai vào ngày 10-3, còn bệnh nhân số 267 (46 tuổi), là bố bệnh nhân số 256 và là chồng bệnh nhân số 258, có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 243 tại nhà trong ngày 20-3.

“Trên địa bàn có 66,6% các trường hợp lây nhiễm được phát hiện đều không có triệu chứng, chỉ qua xét nghiệm mới phát hiện được. Vì vậy, tình hình dịch trên địa bàn TP còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các ca mắc mới hoặc ổ dịch phức tạp” - ông Hiền nói.

Năm DN rủi ro cao

TP.HCM đã có 6.292 DN thực hiện đánh giá theo bộ tiêu chí rủi ro lây nhiễm COVID-19. Trong đó có 3.727 DN tự chấm mức độ rủi ro lây nhiễm thấp dưới 10%, có 2.483 DN có mức độ rủi ro thấp từ 10% đến 30%, 77 DN có mức độ rủi ro trung bình và năm DN có rủi ro lây nhiễm ở mức cao.

TP đã lấy mẫu 1.294 công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, kết quả đều âm tính. Tuy nhiên, TP vẫn còn khoảng 7.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, ngành y tế sẽ lấy mẫu những người này. 

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC), cho biết đến nay trên địa bàn TP vẫn còn những ca dương tính có lịch sử dịch tễ liên quan đến BV Bạch Mai.

Cụ thể, với ca bệnh 266, ngoài 40 mẫu bệnh phẩm liên quan đến bệnh nhân này đã được xét nghiệm thì vẫn còn trường hợp chưa được lấy mẫu. “Các quận, huyện cần rà soát, xét nghiệm để phát hiện sớm trường hợp tản mát trong cộng đồng” - ông Cảm nói.

CDC Hà Nội cũng đã lấy mẫu xét nghiệm xong ổ dịch thôn Hạ Lôi. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cũng đã lấy 1.834 mẫu ở thôn Liễu Trì (cạnh thôn Hạ Lôi), tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính.

Ông Cảm đánh giá ổ dịch thôn Hạ Lôi hiện nay chưa lây sang thôn bên cạnh. Tuy nhiên, huyện Mê Linh cần đánh giá nguy cơ từ nguồn lây nhiễm khác. “Chúng ta cần tiếp tục rà soát các trường hợp khác. Với cả huyện Mê Linh, tất cả trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, sốt, khó thở, đau họng, viêm phổi thì cần được coi như ca nghi ngờ. Do vậy, cần được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, phát hiện sớm dịch bệnh để khoanh vùng” - ông Cảm nhấn mạnh.

Hạ Lôi vẫn là điểm nóng

Trong ngày 15-4, Bộ Y tế công bố thêm một ca bệnh, tổng số ca nhiễm đến nay là 267. Số người đang điều trị là 96, số người đã khỏi là 171. 

Đa số bệnh nhân tình trạng sức khỏe ổn định. 13 ca xét nghiệm âm tính lần một, sáu ca âm tính lần hai. 

Hạ Lôi vẫn là điểm nóng của dịch, hiện ghi nhận 13 ca nhiễm. Toàn thôn với 11.077 người được cách ly.

Ba bệnh nhân nặng gồm 20, 161 và 91 vẫn được điều trị tích cực. Trong đó bệnh nhân số 91 đến chiều nay tiến triển tốt hơn, nhận biết xung quanh mặc dù đang duy trì thuốc an thần, đồng tử phản xạ ánh sáng tốt, không sốt, xét nghiệm đông máu tạm ổn. Bệnh nhân đang được điều trị bằng thở máy, lọc máu hấp thụ kháng thể, ECMO, kháng sinh và kháng nấm. 

HT

Kết quả xét nghiệm bệnh nhân điều trị khỏi COVID-19 ở TP.HCM

Ngày 15-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết TP đã tiến hành theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân mắc COVID-19 xuất viện.

TP đã thực hiện hồ sơ theo dõi 26 trường hợp và lấy mẫu xét nghiệm đối với 24 trường hợp. Trong đó 12 mẫu có kết quả âm tính và 12 mẫu đang chờ kết quả. Hai trường hợp chờ đến ngày lấy mẫu xét nghiệm.

Liên quan đến bệnh nhân số 22 xét nghiệm dương tính lại, hệ thống phòng, chống dịch tiến hành xử lý, điều tra, xác minh và lập danh sách người tiếp xúc với bệnh nhân tại khách sạn, người ngồi gần trên chuyến bay với bệnh nhân.

Những người này đã được cho thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy 41 nhân viên lưu trú tại khách sạn có kết quả âm tính. Các hành khách còn lại đi cùng chuyến bay cũng có kết quả âm tính. Hiện TP đang tiếp tục xác minh các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân.

Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã xác định được 54 trường hợp mắc COVID-19, trong đó ba người đã khỏi bệnh giai đoạn đầu, 32 người đã được công bố khỏi bệnh giai đoạn sau. Trong đó 25 ca đã kết thúc theo dõi người tiếp xúc. Trong số 18 trường hợp thuộc ổ dịch bar Buddha, 10 bệnh nhân đã ra viện. 

HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm