Các loại mứt và hạt dưa là những thực phẩm không thể thiếu ở mỗi gia đình vào dịp Tết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ mất vệ sinh và vi phạm an toàn thực phẩm từ hai món này. Vì vậy, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, cập nhật kiến thức để lựa chọn thực phẩm không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn an toàn, bảo đảm vệ sinh.
Việc đầu tiên là người tiêu dùng cần nhìn kỹ sản phẩm cũng như ý thức các nguy cơ mất an toàn vệ sinh đối với sản phẩm đang chọn lựa.
Đối với hạt dưa, nên chọn loại hạt có màu đỏ nâu tự nhiên, không có màu đỏ hay hồng tươi cũng không bị cháy đen; không chọn loại có phết dầu lên vỏ bóng lưỡng; khi cầm cắn thì tay, môi, lưỡi không dính màu đỏ; hạt bên trong màu trắng ngà, có vị bùi béo đặc trưng. Nếu thấy hạt dưa có màu lạ, mùi hôi dầu hay hôi mốc, ăn thấy vị đắng khác lạ thì không nên dùng.
Một quầy hàng mứt, hạt dưa tại chợ Bình Tây - TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Đối với mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu sắc tổng hợp; bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Phải đọc kỹ nhãn hiệu bao bì, đặt niềm tin vào những nhà sản xuất có tên tuổi, uy tín trên thị trường để đánh giá; mua ở nơi tin cậy như siêu thị, đại lý, hàng quán quen biết… có kiểm soát chất lượng và vệ sinh. Dùng các giác quan nhìn, ngửi, sờ, nếm… để phát hiện mứt có bị mốc thâm kim hay mốc xanh, mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không.
Sau khi mua về, cần bảo quản hạt dưa, bánh mứt ở nhiệt độ bình thường; nên để trên bàn hay kệ tủ thoáng mát, sạch sẽ, tránh ánh nắng; không gần bếp hoặc nơi có nguồn nhiệt; không để dưới đất, tránh bị ẩm ướt, tránh côn trùng xâm nhập.
Nên lưu ý là các nhà sản xuất phải sử dụng phẩm màu và chất tạo ngọt trong quá trình chế biến hạt dưa và mứt. Phẩm màu thực phẩm thì có thể dùng với liều lượng theo khuyến cáo nhưng phẩm màu công nghiệp thì cấm sử dụng trong thực phẩm. Nếu sử dụng quá liều lượng phẩm màu tổng hợp sẽ có tác động cấp tính lên hệ tiêu hóa, gây nôn mửa, rối loạn tiêu hóa; ở trẻ em thì dễ bị dị ứng với biểu hiện rõ nhất là nổi mẩn đỏ. Về chất tạo ngọt, Bộ Y tế đã cấm sử dụng đường hóa học cyclamat nhưng do cyclamat rẻ nên nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn sử dụng trong chế biến mứt...
Hiện nay, nhiều bà nội trợ đã quay về cách ăn Tết truyền thống bằng việc mua thực phẩm tươi sống về chế biến tại nhà. Đây cũng là cách làm hay và an toàn vì các loại mứt phổ biến như mứt dừa, mứt thơm, mứt mãng cầu, mứt me… rẻ tiền, dễ làm lại không mất nhiều thời gian và công sức.
Nhiều mẫu hạt dưa, mứt không an toàn Tại TP Đà Nẵng, cơ quan chức năng từng phát hiện và thu giữ một lượng lớn hạt dưa xuất xứ từ Bình Thuận, có tẩm chất Rhodamine là một loại phẩm màu dùng trong công nghệ nhuộm len, lụa. Rhodamine cực độc, có thể gây ung thư nên cấm dùng trong thực phẩm. Ở TPHCM cũng từng phát hiện mẫu hạt dưa có Rhodamine bán tại quận 6. Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng đã phát hiện những thùng mứt trái cây lên mốc đen sì hoặc sủi bọt, lúc nhúc dòi, sản xuất trong điều kiện rất mất vệ sinh. |
Theo Bác sĩ CK1 ĐÀO THỊ YẾN THỦY - Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM (NLĐ)