Bởi nếu tại hiện trường một vụ án mà có dấu vân tay của quá nhiều người thì các điều tra viên sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian trong việc tìm ra được dấu vân tay của hung thủ.Ví dụ như trong một không gian phòng ăn có xảy ra án mạng, làm sao để nhanh chóng “lựa” ra được đâu là dấu vân tay của kẻ giết người và đâu là dấu vân tay của những người đến dự bữa tối đó. Mới đây, các chuyên gia thuộc National Institute of Standards & Technology (NIST) tại Hoa Kỳ đã có thể đã mở ra hướng giải quyết bài toán hóc búa này.
Biết rằng dấu vân tay của một người là duy nhất và được nhận dạng qua các vòng xoắn tạo nên một họa tiết riêng của mỗi người. Các vòng xoắn này là nơi tập trung của hàng ngàn hợp chất hóa học như amino acid, các ion, chất khoáng, chất bã nhờn,…
Khi phân tích chúng, các nhà khoa học sẽ tìm ra được nhiều thông tin về chủ nhân của dấu vân tay đó, như tuổi, giới tính, hoặc tìm ra những chất mà đối tượng có thể đã tiếp xúc, như chất nổ hay ma túy. Chính lúc đang tìm dấu vết của chất ma túy trên dấu vân tay mà các chuyên gia hóa học của NIST đã phát hiện được một hiện tượng thú vị, đó là một vài hợp chất có trên dấu vân tay, đặc biệt là các acid béo như acid palmitic, có xu hướng dịch chuyển theo thời gian và trong không gian, nói cách khác là chúng sẽ dần lan tỏa ra trên khắp diện tích bề mặt của dấu vân tay.
Nhờ vào kỹ thuật khối phổ ion thứ cấp (Secondary Ion Mass Spectrometry, SIMS), là bắn phá bề mặt của mẫu vật phân tích bằng một chùm ion, các chuyên gia đã đo được độ dài thời gian dịch chuyển của acid palmitic trên dấu vân tay, từ đó họ có thể xác định chính xác là dấu vân tay này đã có tại hiện trường hay trên tang vật từ thời điểm nào.
Hiện dù mới chỉ trong giai đoạn được hoàn thiện trong phòng thí nghiệm, song các chuyên gia hy vọng sẽ triển khai phương pháp này ra hiện trường các vụ án trong một tương lai không xa.