Cải cách tư pháp: Xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá

(PLO)- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp là bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử; HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-3, TAND TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp (CCTP) theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW/2022 của Ban chấp hành Trung ương.

Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh

Một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 27 là đẩy mạnh CCTP, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HĐ

Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HĐ

Đối với ngành tòa án, để đẩy mạnh CCTP và xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp thì cần xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh…; bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Ngoài ra, cần áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp. “Phương thức phi tố tụng tư pháp chính là giải quyết các vụ án thông qua hòa giải, đối thoại. Trường hợp giải quyết bằng hòa giải không được thì mới đưa ra tòa để xét xử” - ông Tuệ giải thích.

Phó Chánh án TAND Tối cao cũng cho biết sau hơn năm năm thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, CCTP thì chất lượng xét xử đã được nâng lên rõ rệt. Ông Tuệ lấy ví dụ đơn giản về các bản án hiện nay so với trước đây thể hiện rõ sự khác biệt là hiện nay các phiên tòa đã tăng cường xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa.

“Không còn tình trạng viết sẵn bản án, tăng cường tranh tụng là xu hướng và là đột phá để nâng cao chất lượng xét xử” - ông Tuệ nói.

Bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của HĐXX

Một nhiệm vụ khác của ngành tòa án là hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử; xây dựng tòa án điện tử. Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền của HĐXX khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.

Về vấn đề này, ông Tuệ cũng cho biết sắp tới đây, khi sửa đổi Luật Tổ chức TAND cũng cần xem xét nghiên cứu và quy định lại quyền khởi tố vụ án tại phiên tòa. Vì nếu HĐXX khởi tố vụ án sẽ không đảm bảo tính khách quan khi xét xử. Ngay từ ban đầu đã có quan điểm người ta có tội đến khi quay lại xét xử khả năng cao tòa sẽ tiếp tục bảo lưu quan điểm ban đầu. Hoặc trường hợp tòa khởi tố vụ án nhưng sau đó công an, kiểm sát không điều tra thì xử lý như thế nào?

“Hay như vấn đề thu thập chứng cứ của tòa trong giải quyết vụ án cũng cần xem xét và quy định lại. Thu thập chứng cứ là việc làm của đương sự hay của cơ quan điều tra, VKS (trong vụ án hình sự), tòa án không phải có nghĩa vụ thực hiện những việc này. Vì vậy sắp tới sẽ sửa đổi theo hướng tòa chỉ hỗ trợ thu thập chứng cứ trong một giai đoạn nhất định” - ông Tuệ nói.

Từ năm 2018 đến nay, các tòa án đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ án đã thụ lý. So với cùng kỳ của năm năm trước (2013-2017), số lượng các vụ án tòa án phải giải quyết tăng 507.849 vụ; đã giải quyết tăng 487.903 vụ.

Hơn 1 triệu bản án được công bố công khai

Năm 2017, tại hội nghị sơ kết thực hiện nâng cao chất lượng xét xử, TAND Tối cao đã đề ra 14 giải pháp đột phá (tăng cường bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án; công khai bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử TAND; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự…).

Mặc dù số lượng các loại vụ việc mà tòa án phải thụ lý giải quyết hằng năm rất lớn và có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng các tòa án đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện tốt các giải pháp đột phá nâng cao chất lượng xét xử nên hoạt động của tòa án tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Số lượng các vụ án để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của tòa án đã giảm mạnh qua từng năm và tính đến ngày 31-12-2022 chỉ còn tám vụ. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%).

Ngoài ra, tính đến nay TAND Tối cao đã công bố được 1.074.937 bản án, quyết định của tòa án với tổng số hơn 156 triệu lượt truy cập, trung bình mỗi ngày phục vụ hơn 100.000 lượt truy cập.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, ông Tuệ đề nghị các cấp tòa tiếp tục thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá; tiếp tục phát triển án lệ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng các buổi đối thoại của hội đồng thẩm phán với thẩm phán tòa án các cấp…

Đề nghị góp ý sửa Luật Tổ chức TAND

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong. Ảnh: HĐ

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong. Ảnh: HĐ

Thông qua hội nghị lần này, đề nghị các thẩm phán, TAND hai cấp tại TP.HCM tự nghiên cứu, tự hoàn thiện để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 27 và tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp mà TAND Tối cao đã đề ra để nâng cao chất lượng xét xử.

Ngoài ra, đề nghị TAND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các tòa chuyên trách góp ý sửa Luật Tổ chức TAND. Cần sửa đổi, bổ sung gì trong dự luật thì đề xuất, nêu ý kiến để TAND TP.HCM tổng hợp gửi về TAND Tối cao xem xét.

Ông LÊ THANH PHONG, Chánh án TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm