Bộ Tư pháp, TP Hải Phòng đứng đầu về cải cách hành chính năm 2021

(PLO)- Bộ KH&CN và tỉnh Kiên Giang đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-5, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2021.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh năm 2021 là năm đầu thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tập trung thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ.

Để thúc đẩy thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động trong lãnh đạo, điều hành là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” và đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó CCHC là một trong những giải pháp trọng tâm.

“Năm 2021 là năm thứ 10 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh, thành phố cả nước; là năm thứ 5 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước”- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

Sau đó, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng công bố Chỉ số CCHC năm 2021. Kết quả, các bộ, ngành có 3 nhóm điểm. Nhóm có kết quả trên 90% gồm 3 đơn vị: Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Nhóm có kết quả từ trên 80% đến dưới 90% có 13 bộ, gồm: Nội vụ; Ngoại giao; TN&MT; LĐ-TB&XH; Xây dựng; TT&TT; GTVT; NN&PTNT; KH&ĐT; Công Thương; VH-TT&DL; Y tế và GD-ĐT.

Nhóm có kết quả dưới 80% có 1 đơn vị là Bộ KH&CN với giá trị Chỉ số CCHC là 78.72%.

Xét trong 10 năm đánh giá, kết quả Chỉ số CCHC tiếp tục duy trì xu hướng tăng, giá trị trung bình của chỉ số này năm 2021 đã tăng cao hơn 10.69% so với năm 2012.

Tương tự, kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, thành cũng được phân theo 3 nhóm. Nhóm A đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 3 tỉnh, thành: Hải Phòng (91,8%), Quảng Ninh (91,14%), Đà Nẵng (90,25%). Nhóm B có 59 tỉnh, thành đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90%.

Nhóm C có tỉnh Kiên Giang với kết quả Chỉ số CCHC đạt 79,97%.

Năm 2021, Chỉ số CCHC 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 86.37%.

Phân tích các chỉ số thành phần, ông Hùng cho biết giá trị trung bình của các chỉ số thành phần tiếp tục thể hiện sự cải thiện tích cực trong năm 2021.

Vụ trưởng Vụ CCHC đánh giá nhìn chung, kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của các tỉnh, thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực. Điều này cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh CCHC của chính quyền các cấp ở địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Theo ông Hùng, 10 năm qua, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định qua thực tiễn là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020.

Thông qua Chỉ số CCHC, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo.

Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số CCHC là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

“Kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao”- ông Hùng nói và khẳng định đây cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra “những áp lực” đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự thay đổi và cải cách”.

*Liên quan đến Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Hữu Dũng cho biết chỉ số của 63 tỉnh có kết quả từ 82.79% - 94.07%.

Trong đó, các tỉnh, thành có chỉ số hài lòng cao ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh và Bắc Giang.

Các tỉnh còn lại có chỉ số hài lòng từ 82,79%- 89,51%, trong đó 3 tỉnh thấp nhất là: Cao Bằng 82,79%, Bình Phước 82,98%, Bình Thuận 83,26%.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho hay ở Trung ương có 19 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ) thực hiện đánh giá. Tuy nhiên, 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, ngành còn lại. Ở địa phương có 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc triển khai điều tra xã hội học năm 2021 được thực hiện với quy mô trên 79.600 phiếu, trong đó có hơn 49.600 phiếu khảo sát nhóm đối tượng công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương. Số lượng phiếu khảo sát cao hơn 2.25 lần so với năm 2020 (khoảng 22.000 phiếu) và gần 30.000 phiếu khảo sát người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, việc khảo sát còn được tiến hành với đại diện một số hội, hiệp hội, để đánh giá kết quả CCHC của các bộ chủ quản.

“Đây là một cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức”- ông Hùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm