Chỉ số cải cách hành chính và hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đều ở mức cao.
Ngày 24-6, Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến công bố chỉ số CCHC (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, công tác CCHC đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Năm 2020 là năm thứ chín liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố chỉ số PAR INDEX của các bộ, các tỉnh, TP; là năm thứ tư triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, TP.
Đơn vị dẫn đầu chỉ số PAR INDEX năm 2020 tiếp tục thuộc về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Xếp ngay sau đó là Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp và xếp cuối cùng là Bộ GD&ĐT… Theo báo cáo, chỉ số PAR INDEX của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019.
Chỉ số PAR INDEX 2020 của các tỉnh, TP được phân theo ba nhóm, trong đó nhóm A là các địa phương đạt từ 90% trở lên. Trong nhóm này, Quảng Ninh tiếp tục là đơn vị dẫn đầu, tiếp đó là Hải Phòng. Nhóm C là nhóm có chỉ số từ 70% đến dưới 80%, gồm có năm tỉnh và TP, trong đó Quảng Ngãi ở vị trí cuối cùng.
Tuy vậy, về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) thì năm 2020 vẫn còn ghi nhận một số kết quả chưa tốt. Chẳng hạn có 5,13% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công và việc này diễn ra ở cả 63 tỉnh, TP. Vẫn còn 1,23% người dân, tổ chức bị phiền hà, sách nhiễu và 0,59% người dân, tổ chức phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí.
Các tỉnh có chỉ số hài lòng thuộc nhóm cao nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng các chỉ số này đã trở thành công cụ quản lý hiệu quả kết quả CCHC, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhận diện rõ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế của nền hành chính nói chung, của quá trình triển khai nhiệm vụ CCHC hằng năm của bộ, ngành, địa phương nói riêng.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn lãnh đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mức trong việc thúc đẩy cải cách để bảo đảm tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động quản lý nhà nước, là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong một số nội dung cải cách thể chế chưa được xử lý, tháo gỡ” - Phó Thủ tướng cho hay và khẳng định các công tác liên quan đến thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nghiêm.
Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương phải có giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. “Đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo các nghị quyết trước đây của trung ương” - Phó Thủ tướng yêu cầu.