Cấm đón, trả khách dọc đường là bất hợp lý

“Miền Trung-Tây Nguyên có nhiều tuyến đường dài qua những khu dân cư đông đúc nhưng không có bến xe. Do đó, Thông tư 14/2010 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định cấm đón, trả khách dọc đường là bất hợp lý. Ngoài ra, nhiều quy định về thời gian biểu, kinh doanh khai thác bến xe, các phương tiện xe buýt, taxi... cũng xa rời thực tế”. Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải nêu ý kiến tại hội nghị triển khai Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải đường bộ dành cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) tổ chức tại Phú Yên trong hai ngày 4 và 5-10.

Nhà xe “chết”, hành khách khổ

Diễn ra trong một ngày rưỡi nhưng hội nghị chỉ nóng lên hơn 2 tiếng cuối khi đại diện của nhiều DN kinh doanh vận tải hành khách nêu lên hàng loạt quy định không khả thi của Thông tư 14.

Cấm đón, trả khách dọc đường là bất hợp lý ảnh 1

Theo các doanh nghiệp vận tải xe buýt, việc thực hiện nhà chờ ở nội thành có vỉa hè rộng từ 4m trở lên ở miền Trung rất khó thực hiện. Ảnh minh họa: HTD

Ông Võ Xuân Tỷ, Giám đốc Công ty TNHH A Tỷ (Bình Định), phân tích: “Trên quốc lộ 1A, hành khách có nhu cầu lên xuống tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay ngay cả nhiều khu dân cư đông đúc ven quốc lộ 1A cũng chưa có bến xe. Theo tôi, quy định này chỉ làm khổ hành khách”. Ông Đặng Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thuận Hưng (Gia Lai), nói thêm: “Hằng ngày, công ty chúng tôi nhận hàng ngàn cuộc điện thoại đặt vé, trong đó đa số hành khách điện thoại đặt mua vé đi các tuyến đều ở xa bến xe, có người ở cách cả 100 km. Nếu thực hiện theo quy định mới, hành khách buộc phải tìm phương tiện khác để đến bến xe, vừa mất thời gian vừa lãng phí của người dân”.

Cũng theo ông Võ Xuân Tỷ, phần lớn các điểm đón trả khách ngoài bến xe không còn kiểu chụp giựt, nhếch nhác như trước kia. Hiện đa số các DN kinh doanh vận tải lớn đều mở các văn phòng đại diện hoặc các điểm dọc tuyến vận tải tại nhiều tỉnh. Quy định trên của Thông tư 14 khiến các DN không biết xoay xở ra sao để phục vụ khách.

Ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) và ông Đỗ Xuân Hoa - Vụ trưởng Vụ Vận tải-Pháp chế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) giải thích quy định trên nhằm chấn chỉnh tình trạng tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh trên các tuyến giao thông. Ông Đỗ Xuân Hoa nhấn mạnh: “Theo quy định, dù mua vé ở đâu khách cũng phải đến bến xe để đi. Các DN có thể đăng ký đại lý bán vé nhưng phải đưa khách đến bến để đi”. Tuy vậy, nhiều DN cho rằng họ không hiểu và không thể đồng tình với cách giải thích trên.

Tổng cục: Vẫn thực hiện

Đại diện DN Vận tải tư nhân Lý Anh Tuấn (Phú Yên) đánh giá nhiều quy định mới về kinh doanh vận tải xe buýt trong Thông tư 14 cũng không sát thực tế, nhất là quy định về xây dựng các nhà chờ. Thông tư 14 yêu cầu phải xây dựng nhà chờ trong khu vực nội thành có vỉa hè rộng từ 4 m trở lên, ngoại thành từ trên 1,5 m trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế các tuyến xe buýt ở khu vực miền Trung rất khó thực hiện do địa hình giao thông các khu vực ngoại thành.

“Trong khi đó, nhiều vấn đề bức thiết trong kinh doanh vận tải xe buýt hiện nay lại không thấy thông tư đề cập. Ví dụ, nhiều DN kinh doanh xe buýt trên cùng một tuyến, cần phải quy định được trùng tuyến bao nhiêu phần trăm; việc cạnh tranh giá vé; trợ cước giá vé xe buýt…” - đại diện DN này nói. Ông Đỗ Xuân Hoa thừa nhận hiện chưa có văn bản quy định về việc nhiều DN kinh doanh trùng tuyến, trùng bến xe buýt. “Nhà nước không quy định việc trợ cước xe buýt. Tùy theo tình hình, từng địa phương sẽ có quy định cụ thể” - ông Hoa nói.

Ông Phan Chánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Bình Định, nói: “Còn nhiều quy định về quản lý, kinh doanh bến xe trong Thông tư 14 chưa sát thực tế, chẳng hạn quy định mỗi huyện phải có một DN hoặc một hợp tác xã kinh doanh khai thác bến xe. Trong khi đó, những huyện khó khăn rất khó đầu tư, duy trì hoạt động của bến xe vì mỗi ngày chỉ có vài ba chuyến xe ra vào bến”. Đại diện của nhiều DN cũng phản ứng với quy định về màu sơn trong kinh doanh taxi vì cho rằng gây tốn kém không cần thiết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kết luận: “Trước mắt yêu cầu các sở GTVT, các DN thực hiện đúng theo Thông tư 14”.

Ngày 24-6-2010, Bộ GTVT ban hành Thông tư 14/2010 quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô (có hiệu lực từ ngày 8-8). Theo nhiều DN vận tải, một số quy định của thông tư làm phát sinh thủ tục, gây phiền nhiễu và lãng phí cho cả DN lẫn người dân. Các quy định bị phản ứng nhiều nhất là xe khách liên tỉnh không được dừng đón, trả khách dọc đường; xe taxi của một DN, hợp tác xã bắt buộc phải sơn thống nhất một màu… Pháp Luật TP.HCM đã có một số bài viết phản ánh vấn đề này (xem thêm trên www.phapluattp.vn)

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm