Lời tòa soạn: Sau khi Quốc hội đồng ý bổ sung vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông, PLO đã nhận được nhiều ý kiến về vấn đề này.
Tiến sĩ DƯƠNG NGỌC DŨNG, Giảng viên Khoa Triết học Trường ĐH KHXH&NV:
Đồng tình, nhưng lo ngại chuyện "lót tay", "cưa đôi"
Khi Dự luật đưa ra qui định cấm người đã sử dụng bia rượu lái xe, tôi hoàn toàn tán thành. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng nghiên cứu thêm một vài vấn đề như sau:
Nếu đã cấm tiệt lái xe khi đã sử dụng rượu bia và tăng mức phạt lên đến 40 triệu đồng như đề xuất của Tổng cục đường bộ Việt Nam thì liệu thực tế lúc đó có xảy ra việc hối lộ giữa người vi phạm và cảnh sát giao thông? Chúng ta có chắc rằng một CSGT có thể từ chối khoản “lót tay” hết sức hậu hĩnh? Ngay với mức phạt hiện hành nhiều trường hợp “lót tay” thoát chuyện lập biên bản xử phạt vẫn xảy ra. Với quy định mới này thì người lái xe dù uống chỉ một ly rượu, chưa say, chưa mất tỉnh táo vẫn bị xử phạt. Như vậy có quá cào bằng và phải chăng chúng ta đang tạo cơ hội cho những tiêu cực xảy ra nhiều hơn!?
Hơn hết, khi quy định được thực thi thì rất cần những GSGT đủ liêm khiết để thừa hành và có cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật thật chặc chẽ.
Luật sư NGUYỄN TRI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Cần hạ thấp ngưỡng nồng độ cồn trong quy định hiện hành
Chúng ta không thể phủ nhận tính ưu việt của quy định cấm triệt để khi đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông. Nếu được luật hóa sẽ đem lại hiệu quả thiết thực vô cùng. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định này không phù hợp với điều kiện khách quan về tập quán, mỹ tục của xã hội Việt Nam chúng ta.
Dù không có ý cổ súy cho việc dùng rượu bia, nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta cần nhìn nhận thực tế về những giá trị truyền thống, tập quán “tách trà, chén rượu” đã gắn liền với thuần phong mỹ tục trong xã hội Việt Nam. Chúng ta không thể đánh đồng việc sử dụng rượu bia của đối tượng uống rượu, bia vô tội vạ, bất chấp hậu quả với những cá nhân khác thuộc mọi phân tầng xã hội mà họ chỉ dùng một ly bia hay một chén rượu trong những dịp “hiếu, hỷ” lễ lộc, ngày tết, giao tiếp thường nhật.
Để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia như hiện nay, tôi cho rằng nên “hạ thấp” tỷ lệ nồng độ cồn trong máu theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó cần bổ sung các chế tài thật nghiêm khắc và hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ trong máu vượt ngưỡng cho phép mà gây thiệt hại cho người khác. Có như vậy thì mới mong mới giảm thiểu loại trừ triệt để những tai nạn thương tâm đau lòng từ rượu bia.
Tiếp thu pháp luật từ những quốc gia khác trên thế giới, tôi nhận thấy việc xử phạt chỉ áp dụng khi đối tượng điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu quá cao theo luật định của các quốc gia với các hình phạt rất khắc khe từ phạt tiền, truy tố phạt tù, cấm chạy xe suốt đời, thậm chí kể cả bị đòn roi... Thay vì cấm tiệt lái xe khi đã sử dụng rượu, bia.
Ngoài những lý do khách quan nêu trên, thực tế chúng ta vẫn nhận thấy rằng hệ thống vận chuyển hành khách công cộng ở Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Do đó, khi quy định nêu trên được luật hóa và áp dụng sẽ có những kẽ hở phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông là điều khôn lường!
Bất cứ quy định pháp luật nào cũng cần phải phù hợp với với các quy luật khách quan, vận động của xã hội về mọi mặt.