Cảm xúc trước thềm xuân của chàng trai 28 tuổi

Lúc đó, tôi còn nhỏ xíu, nhưng cũng đủ lớn để hiểu sơ sơ về mùa xuân. Tuổi thơ của tôi và các chị gắn liền với cái nghèo dai dẳng của vùng đất miền Trung khắc nghiệt.

Mùa xuân đến. Người lớn thì phải lo biết bao nhiêu là thứ. Nào là thu hoạch hoa màu ra chợ bán, nào là xuất chuồng máy con heo, con gà dù chúng chưa đủ tuổi. Rồi phải sắm sửa đồ đạc trong nhà, mua lá chuối, gói bánh tét, lặt lá mai, quét nhện…

Còn tôi, tôi có một bộ quần tây áo trắng mới để đi chơi, cũng là để đi học. Ngày đó, khi tôi khoác trên mình bộ quần tây áo mới để đi khoe với mấy thằng bạn, các chị tôi vẫn mặc lại bộ quần áo của mùa xuân năm trước. Còn ba má tôi, không biết bao nhiêu mùa xuân rồi không được mặc áo mới. Những đôi giày, từ bao giờ đã khắc sâu vào đầu tôi cái hình dáng đơn điệu, cũ kỹ. Đối với tôi, đôi giày đơn giản thật sự là một ước mơ to lớn. Ngay khi những đứa trẻ cùng xóm mang giày mới, tôi lại lủi thủi đi trên đôi giày cũ kỹ của mùa xuân năm trước.

Rồi giao thừa cũng đến, chúng tôi phụ mẹ nấu bánh tét bằng củi. Mùi bánh tét thơm thơm. Khói bánh tét nghi ngút làm mắt tôi cay xè, nhưng không hiểu sao cứ cảm thấy háo hức. Còn ba tôi phải lo xắp mấy nải chuối đã chặt từ chiều ở trong vườn; cắm thêm mấy cây bông trang, cành liễu, chuẩn bị đĩa chén để xắp đồ ăn và cúng ông bà tổ tiên trong ánh đèn mờ mờ. Riêng mẹ, mấy chị và tôi, vừa ngồi chụm bánh tét vừa nói chuyện rảnh rang vui vẻ. Tôi chỉ trông đêm giao thừa qua nhanh để ngày mai còn đi chơi tết.

Vừa chợp mắt đã thức dậy, tôi thấy ba mẹ và mấy chị nấu đồ chay cúng mùng một. Tôi chợt nhớ, hôm qua tôi quên chà sạch đôi giày. Tôi chạy ra giếng, chà sạch đôi giày, rồi vội vàng vào nhà tìm lại bộ đồ mới. Tôi xem lịch thật kỹ liệu có phải hôm nay là mùng một không. Sau đó, tôi lại vội vàng chạy ào ra đường xem thử có ai đi chơi chưa. Cũng lạ, đường vắng tanh, chắc tụi nó vẫn còn ngủ. Tôi rửa mặt và phụ bưng đồ cúng. Đồ cúng nhà tôi thật đơn giản. Một vài đĩa đậu phụ kho, một vài đĩa rau và một tô canh rau. Sau khi bưng đồ cúng xong, tôi đi tìm bị bánh và hột dưa hôm qua mẹ tôi mới mua, rình ăn thử một cái. Thật sự rất ngon. Tôi lại giấu một cái đi để dành ăn.

Đó là câu chuyện của ngày tết năm nào. Lớn lên chút nữa và đến bây giờ, tôi càng hiểu thêm câu chuyện của mùa xuân mười mấy năm về trước. Nhà tôi có một truyền thống. Ba má tôi hi sinh cho các con, các anh chị hi sinh cho các em. Người này hi sinh sự thiệt thòi để người kia được sống tốt. Đúng vậy, ngày đó, tôi có một bộ đồ mới đã là may mắn lắm rồi. Để có nó, ba mẹ tôi, anh chị tôi phải dành dụm từng đồng để mua. Đối với những đứa nhỏ như tôi, chúng tôi chỉ mong đến ngày tết để được đi chơi và khoe đồ mới. Nhưng tôi không biết một sự thật: Ba mẹ, anh chị tôi luôn cảm thấy mệt mỏi khi tết đến vì có bao nhiêu tiền họ đều dành cho tết. Sự nhọc nhằn ẩn trong đôi mắt, sự vất vả ẩn trong lòng bàn tay. Để được chút sung túc của tết là những ngày làm việc dưới cái nắng chan chát của miền Trung, trong những cơn gió mạnh ào ào của mùa lũ lụt trước tết. Những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt, những cái thở mạnh và dài đã quen thuộc với tôi từ nhỏ. Giờ đây, mái tóc bạc, làng da nhăn nheo, cái lưng còng, dáng đi tất tưởi, ba mẹ tôi đã vào tuổi xế chiều.

Năm nay là mùa xuân thứ 28 của tôi. Đã qua 27 mùa xuân, hễ cứ đến giao thừa, nhìn những tràng pháo hoa bắn lên, lòng tôi lại cảm thấy là lạ với những cảm xúc khác nhau. Đôi khi là cái cười lớn của sự thành công, cái mỉm cười của sự hài lòng, đôi khi, lại là những giọt nước mắt của một thằng đàn ông học cách chấp nhận sự thất bại, rồi một khuôn mặt bình yên sau mọi thăng trầm của cuộc sống.

27 năm đã qua mà tôi cứ ngỡ tôi đã sống một cuộc đời. Thành công, thất bại chỉ là những kết quả của phấn đấu. Vui sướng, buồn, khổ, thất vọng và đắng cay là những trạng thái cảm xúc khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Tôi - một tuổi trẻ háo thắng, bồng bột thiếu suy nghĩ. Trải qua nhiều chuyện, tôi càng hiểu thêm về chính mình và mọi người xung quanh. Tôi đã hiểu thêm một chút thế nào gọi là đối nhân xử thế, thế nào là cách sống tốt đẹp. Quan trọng hơn nữa, tôi đã hiểu thêm, trên đời này không có gì là hoàn hảo. Sống là phải chấp nhận những cái tương đối tốt. Và con người ta sẽ hạnh phúc hơn khi biết chấp nhận thất bại, khổ đau và những nhược điểm của riêng mình. Cũng giống như khi chúng ta chấp nhận thất bại, ta sẽ dễ dàng tìm ra những bài học trong thất bại. Đó là những bài học bổ ích mà tôi đã học từ quyển sách cuộc đời.

Trời đã bớt lạnh, tôi bước ra thềm, cái ánh nắng ngời ngời lan tỏa khắp những cành mai. Một số nụ hoa mai đã xuất hiện. Người tôi cảm thấy ấm áp và vui vẻ. Nhìn lại, tôi vẫn chưa thực hiện tốt những kế hoạch và dự định trong năm nay. Nhưng năm 2012, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn rất nhiều, đã chuẩn bị hết tất cả sức khỏe và tinh thần để cố gắng học tập, làm việc và rèn luyện. Đặc biệt hơn nữa, tôi sẽ quyết tâm thực hiện cho bằng được những kế hoạch mình đã vạch ra. Tôi thực sự không muốn phải hối hận vì chưa làm được gì. Phải học cách trân trọng từng giây phút mình đang sống. Như vậy, cuộc sống của tôi mới có ý nghĩa, mới xứng đáng với hai từ “tuổi trẻ” vốn đầy hoài bão và khát vọng.

Theo Võ Thừa Huy (DT/Đàn ông)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm