Cần án lệ về tội phạm liên quan đến tiền ảo

(PLO)- Theo chuyên gia, nên chăng xác định tiền ảo là một loại tài sản, đồng thời ban hành án lệ về tội phạm liên quan đến tiền ảo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo “Chứng cứ và chứng minh trong giải quyết vụ án hình sự” do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra rằng bên cạnh những điểm tiến bộ thì quy định của pháp luật Việt Nam về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự đã bộc lộ một số điểm hạn chế cần khắc phục.

Hiện chưa thừa nhận tính hợp pháp của tiền ảo

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng bản án hình sự sơ thẩm ngày 16-5-2023 của TAND TP.HCM (vụ cướp tiền ảo trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) liên quan đến tội cướp tài sản mà đối tượng tác động là tiền mã hóa bitcoin đã tạo ra một tiền lệ.

cuop-tien-ao.jpg
Phiên tòa xử vụ cướp tiền ảo trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: SONG MAI

Điều này có ý nghĩa tích cực vì xử lý những hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, bảo vệ quyền lợi của những người đang sở hữu tiền mã hóa (tiền ảo). Tuy nhiên, các quy định hiện hành không thừa nhận tính hợp pháp của tiền mã hóa.

Do đó, bản án nêu trên đặt ra một số thảo luận về khoa học để hoàn thiện lý luận và pháp luật trong giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tiền mã hóa.

PGS-TS Phương Hoa cũng cho rằng Việt Nam cần cân nhắc cho phép tài sản mã hóa nói chung và tiền mã hóa nói riêng bằng việc thiết lập các khung pháp lý; đồng thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu bao gồm tài sản mã hóa.

“TAND Tối cao có thể cân nhắc xem xét ban hành án lệ liên quan đến tiền mã hóa bao gồm các vấn đề về đối tượng chứng minh, cơ sở định giá tài sản bị chiếm đoạt” - PGS-TS Phương Hoa đề xuất.

Chứng minh tội phạm còn gặp khó

Trong khi đó, tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong chứng minh đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người.

Vụ án cướp tiền ảo trên cao tốc đang được đề xuất làm án lệ

Hiện nay TP.HCM là điểm trung chuyển ma túy lớn. Hầu hết vụ án liên quan đến ma túy, các đối tượng quy đổi tiền đồng, USD… thành tiền ảo để thanh toán.

Nếu chúng ta không công nhận tiền ảo là một loại tài sản thì sau này sẽ rất khó để xử lý. Hiện nay, vụ án cướp tiền ảo trên cao tốc đang được đề xuất làm án lệ.

Ông PHÙNG VĂN HẢI, Phó Chánh án TAND TP.HCM

Cụ thể, đối với các tội phạm liên quan đến hành vi giết người cần có chứng cứ để xác định nạn nhân tử vong do ngoại lực tác động mà không phải bởi nguyên nhân bệnh lý hoặc tự sát. Khi phát hiện, thường thì thi thể đã bị phân hủy mạnh nên khó xác định nhân thân, nguyên nhân tử vong, công cụ, phương tiện phạm tội gây ra.

Cạnh đó, các cơ sở dữ liệu của cá nhân do các cơ quan nhà nước quản lý chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ, liên kết, quản lý cư trú kém hiệu quả cũng có thể gây khó khăn, trở ngại trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh.

Ngoài ra, đối với các hành vi xâm phạm tình dục là nhóm tội phạm có “độ ẩn” cao, tâm lý của bị hại không sẵn sàng tố cáo do e ngại, xấu hổ, sợ bị người khác đánh giá hoặc bị hại không muốn tố cáo…

Mặt khác, Điều 85 BLTTHS năm 2015 không quy định đối tượng chứng minh là quan hệ xã hội bị xâm hại, tức là chứng minh yếu tố khách thể của cấu thành tội phạm.

Cũng theo TS Ánh Hồng, việc chứng minh dấu hiệu đối tượng tác động của tội phạm còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Chẳng hạn, để chứng minh tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội thì nạn nhân còn sống hay không chủ yếu dựa trên các chứng cứ như lời khai của người bị buộc tội hoặc kết luận giám định nhưng trong nhiều trường hợp các chứng cứ này chỉ đưa ra được các thông tin mơ hồ hoặc chỉ tương đối.

Nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung

Theo tôi, cần sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như chứng minh “hành vi xâm hại quan hệ xã hội nào”, hướng dẫn các trường hợp cần trưng cầu giám định tổn hại sức khỏe tâm thần (trong những trường hợp hành vi gây tổn hại nhân phẩm, danh dự hoặc đối với các đối tượng dễ bị tổn thương)…

Ngoài ra, cần xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư một cách hệ thống và đầy đủ, phát triển mạnh mẽ nhằm giúp cho việc xác định nhanh chóng nhân thân của nạn nhân, của đối tượng tình nghi, truy vết tội phạm…

TS NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm