Cụ thể, nên cho bệnh nhân ăn sớm sau phẫu thuật chứ không kiêng cữ quá lâu. Đối với các phẫu thuật không can thiệp trực tiếp đến ống tiêu hóa như cắt túi mật, mổ thoát vị bẹn, cắt ruột thừa thì có thể cho ăn vào khoảng ngày thứ 2 đến thứ 3 sau mổ.
Những phẫu thuật lớn, phải can thiệp trực tiếp vào đường tiêu hóa (cắt dạ dày, đại tràng, nối mật ruột…) thì nên cho bệnh nhân ăn sau khi có trung tiện, thường sau 5- 6 ngày.
Những ngày đầu sau phẫu thuật nên cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo hay sữa, các loại thức ăn phải bảo đảm giàu dinh dưỡng. Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và để lại ít cặn bã trong đường ruột sẽ giúp quá trình hồi phục mau hơn. Người bệnh cần tránh thức ăn có thể gây tiêu chảy, có nhiều chất xơ vì có thể gây tắc ruột; tránh thực phẩm gây kích thích, chất béo, nước sô-đa, rượu cũng như các loại thực phẩm tạo gaz. Việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày là rất hợp lý, thường chia ra 6-8 bữa hoặc 4-6 bữa trong ngày sẽ giúp bệnh nhân dễ hấp thu hơn.
Việc vận động sau phẫu thuật có ý nghĩa quan trọng vì sẽ làm cho ruột trượt lên nhau và làm giảm nguy cơ dính ruột sau phẫu thuật - là một trong những biến chứng đáng sợ nhất của hậu phẫu bụng. Thân nhân nên giúp bệnh nhân trở mình ngay sau phẫu thuật, xoa bóp tại giường, sang hôm sau có thể cho ngồi dậy vận động tại giường, chiều ngày thứ 2 có thể cho đi lại nhẹ nhàng.
Một vấn đề khác mà người bệnh thường gặp sau phẫu thuật là đau và mất ngủ. Tùy loại phẫu thuật và thể trạng bệnh nhân mà có thể có các mức độ đau khác nhau. Để giảm biến chứng này, chúng ta cho bệnh nhân thở sâu, nằm theo tư thế giải phẫu và dùng thuốc giảm đau. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc an thần.
Tóm lại, phẫu thuật vùng bụng là phẫu thuật can thiệp lớn, chăm sóc bệnh nhân không chỉ là việc của thầy thuốc mà còn rất cần sự kết hợp của thân nhân và chính bệnh nhân.
Theo Người Lao Động