Ngày 11-5, tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhiều đại biểu đã tỏ ra lo lắng trước câu chuyện cả xã hội phải chung tay mua từ thiện quả dưa, củ hành vì không có đầu ra. Điều này cho thấy nhiều sản phẩm của Việt Nam (không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp) đang thiếu sức cạnh tranh…
Nông dân, nông nghiệp lao đao
Trình bày báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế-xã hội trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho hay: Lĩnh vực nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng nay sức cạnh tranh yếu, thiếu bền vững. “Không chỉ là chuyện dưa hấu, củ hành… nhiều mặt hàng khác của chúng ta đang thiếu sức cạnh tranh” - Bộ trưởng Vinh nói.
Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội của Ủy ban Kinh tế cũng cho thấy một số chính sách nông nghiệp, hỗ trợ nông dân triển khai chậm, gây phiền hà cho người dân và chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội cần bổ sung vấn đề đời sống bộ phận nông dân rất khó khăn, nông sản kém sức cạnh tranh... “Như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói từ đầu năm một số mặt hàng nông sản không đi vào thị trường được, giá thấp, xã hội phải chung tay bán dưa, hành. Đây chỉ là giải pháp tấm lòng. Chính phủ nên quan tâm phân tích và có giải pháp mạnh mẽ hơn” - bà Mai nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng: “Nếu tiếp tục như thế này thì nhiều nông sản thế mạnh như gạo, tiêu, điều, cà phê… sẽ không tiêu thụ được. Đặc biệt tới đây phải thực hiện lộ trình TPP, WTO thì càng khó khăn hơn. Nếu không có giải pháp rõ ràng, nhiều sản phẩm của ta sẽ thua ngay trên sân nhà…”.
Không chỉ là chuyện dưa hấu, củ hành…, nhiều mặt hàng khác của chúng ta đang thiếu sức cạnh tranh. Ảnh: BCT
Cán bộ còn lơ mơ
Các đại biểu cũng tỏ ra lo lắng trước thực trạng của nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước. Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, chia sẻ: “Mấy hôm nay tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp. Năm năm nay rồi tôi thấy đáng lo ngại trình độ dường như không nâng lên còn đi xuống. Nhiều cán bộ không nên cho đi thi bởi tự trọng rất kém, bài viết nguệch ngoạc mấy chữ… Khi thi vấn đáp thì rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không nắm rõ về nội dung quản lý nhà nước, lơ mơ làng màng”.
“Tại sao tất cả vấn đề về cạnh tranh, đầu ra đầu vào cho nông dân chúng ta có cả nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà cho đến hôm nay vẫn là câu chuyện dưa hấu, hành tím…?” - ông Quyền đặt câu hỏi. Theo ông Quyền, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là từ người hoạch định chính sách đến cán bộ tổ chức thực hiện chính sách đều có vấn đề về năng lực, trách nhiệm…
“Chuẩn bị đại hội Đảng rồi, phải đánh giá nghiêm túc đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, đặc biệt đội ngũ trong điều hành, quản lý nhà nước xem năng lực đáp ứng đến đâu. Khi bắt được bệnh thì mới có giải pháp nâng cao năng lực, vì nó quyết định sự phát triển kinh tế-xã hội trên rất nhiều lĩnh vực” - ông Quyền đề nghị.
Phát hiện 36.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục Theo báo cáo của Chính phủ trước UBTVQH thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 15.263 tỉ đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng nêu rõ không ít các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn xảy ra tình trạng chi chưa đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm tài sản, cho vay, tạm ứng nhưng chậm thu hồi; tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí. Việc thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn hạn chế, xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, triệt để… “Năm 2014, hệ thống kho bạc nhà nước đã phát hiện 36.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỉ đồng; từ chối thanh toán 90 tỉ đồng vốn đầu tư do một số chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng quy định” - báo cáo thẩm tra nêu rõ. |