“Người đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết thì họ không coi trọng ham muốn cá nhân, thể hiện ý thức chính trị của lý tưởng cao cả, nếu không có điều này thì họ chỉ là con người thực dụng và tham vọng quyền lực. Tham vọng quyền lực là để có tiền để chơi bời, thỏa mãn cuộc sống riêng xa hoa của mình. Thực tế, những đối tượng bị công khai xử lý ngoài sai lầm hại cho nước cho dân, cuộc sống riêng cũng trụy lạc trác táng”.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã mở đầu như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xoay quanh các tiêu chuẩn trong phương hướng nhân sự Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII, vừa được thông qua tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 11 (khóa XI).
Đạo đức khó đo nhưng tài sản thì dễ đo
. Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về các tiêu chí về nhân sự vừa được Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đưa ra, thưa ông?
+ Ông Vũ Quốc Hùng: Trước tiên với tư cách là một đảng viên tôi cảm thấy rất mừng, vì đây là lần đầu tiên chúng ta công khai đặt ra những vấn đề cần phải có và không được có đối với ủy viên BCH như lần này. Tuy nhiên, ngược lại tôi lại thấy xót lắm. Với một tổ chức bấy lâu nay trong lòng dân là những người ưu tú, bây giờ lại tuyển chọn những người vào cơ quan tối cao cũng phải liệt kê vấn đề phải có và không được có thì đó là khó khăn. Nhưng liệt kê như vậy tức là vì có những hiện tượng đó, càng liệt kê được nhiều thì sẽ như những hàng rào để ngăn chặn những người không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan cấp cao. Hơn nữa tôi cũng mong Đảng sẽ xem xét những người có biểu hiện này rồi phải hạn chế, thậm chí xử lý họ.
. Trong lần này, tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống được đề cập cụ thể hơn và lấy từ thực tế một số trường hợp bị phát hiện. Thưa ông, đây là kết quả của việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng hay từ bức xúc của quần chúng và của thực tiễn ?
+ Ở trên tôi đã nói việc liệt kê cụ thể các tiêu chí tức là thực tế có những hiện tượng đó. Thực tế, đạo đức tư cách hiện nay của cán bộ, đảng viên đang xấu đi, vì vậy lần này phải dùng lời lẽ mạnh, định tính lẫn định lượng, gọi tên các biểu hiện nhiều hơn. Còn riêng về đạo đức lối sống đó là yêu cầu mang tính toàn cầu, bất kỳ một quốc gia nào người dân cũng phải thừa nhận vai trò của đạo đức lối sống, đặc biệt là đối với những cán bộ cao cấp. Đạo đức lối sống thể hiện trực diện, lộ ra trong hành vi hằng ngày. Còn nói tôi rất trung thành thì ai đo được cái trung thành của anh. Đạo đức lối sống là biểu hiện dễ nhận biết, đó là yêu cầu tối thiểu của sự mẫu mực, yêu cầu tối thiểu của mỗi người dân từ bé, mỗi con người tử tế.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: VIẾT THỊNH
. Như ông nói đạo đức lối sống thì rất dễ lộ ra nhưng tài sản bất minh thì thường được che giấu rất kỹ, vậy làm sao để có thể phát hiện, chứng minh được những tài sản này, thưa ông?
+ Tôi nghĩ cũng chẳng gì khó, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Bây giờ vẫn có những đồng chí khi tại vị thì không bị lộ nhưng chỉ khi về hưu mới lộ ra, nên ở các nước tổng thống về hưu cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng ta không thể đòi hỏi tuyệt đối được nhưng những hành vi, những biểu hiện tiêu cực nếu hỏi dân là biết hết. Đạo đức khó đo nhưng tài sản thì dễ đo.
. Có ý kiến lo ngại rằng làm sao có thể phát hiện được người “có biểu hiện giàu nhanh” khi mà đa số tài sản, nhà đất, tàu thuyền, xe cộ đều đứng tên con cái, dâu rể, anh chị em? Liệu chúng ta có nên tính đến yêu cầu xác minh nguồn gốc tài sản của tất cả ứng viên cho BCH Trung ương khóa tới từ hàng thừa kế thứ nhất (bao gồm cha mẹ, con cái) không?
+ Đúng là tài sản đứng tên vợ con, cha mẹ được ngụy trang thì rất khó khăn khi xác minh. Tuy nhiên, tiêu chuẩn lần này cũng liệt kê đến vợ, chồng, con cái của các ủy viên. Ví dụ nếu con cán bộ ở một tòa nhà đắt tiền thì tổ chức phải hỏi, cán bộ phải khai tài sản. Trên cơ sở lời khai đó các cơ quan kiểm tra cần phải đến tận địa bàn thẩm tra xác minh, con cán bộ đó mua bằng tiền ở đâu, phải giải trình mới được.
Không để lọt “đảng viên chưa bị lộ”
. Với quyết tâm của Đảng thể hiện trong Nghị quyết lần thứ 11, ông có hy vọng “Đảng nói được, làm được” không?
+ Tôi có niềm tin và hy vọng với tinh thần của Hội nghị Trung ương lần 11. Tôi tin trong đội ngũ Đảng ta vẫn còn nhiều đồng chí tâm huyết, quyết tâm làm hết trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng, trước nhân dân đồng thời giúp cho những đồng chí hiện nay đương chức mà có những lệch lạc về chính trị, đạo đức lối sống… tự chỉnh đốn mình hoặc tự rút lui để không bị nhân dân lên án, xói mòn niềm tin vào mình.
. Với những tiêu chí đó thì việc phát hiện ra những người không đạt rất khó, nếu tìm được người đủ tiêu chuẩn lại càng khó hơn, ông có nghĩ như vậy?
+ Thắc mắc này là đúng và thực tế đó cũng là băn khoăn của nhiều người. Theo tôi, việc phát hiện ra những đồng chí không đạt tiêu chuẩn cũng có thể làm được. Bây giờ nhắm vào quy hoạch xem những đồng chí nằm trong quy hoạch để soi vào các tiêu chí đã đề ra. Đảng và các cơ quan khác của Đảng phải là nơi giúp phát hiện những người không đạt được các tiêu chuẩn mà lại ngấp nghé vào Trung ương. Tiếp đến phải hỏi dân, Đảng có đủ ban bệ, đủ tai mắt chỉ có điều các ban bệ có làm việc không. Từng đồng chí ủy viên Trung ương phải chỉ ra những đồng chí đương nhiệm cùng công tác với mình mà không đủ tiêu chuẩn, không để tái cử. Không né tránh, không nể nang, khi như thế, tôi tin rằng sẽ cơ bản ngăn chặn được. Không để cho những đảng viên chưa bị lộ vào cơ quan lãnh đạo, tuy nhiên không có gì tuyệt đối nhưng nếu lọt được vào rồi sau này phát hiện thì phải đưa họ ra.
. Xin cám ơn ông.
Phóng viên: Có một đoạn tiêu chuẩn được nêu trong phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư khiến nhiều quần chúng quan tâm là: “…kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính”. Điều này có mâu thuẫn với chủ trương “đảng viên được làm kinh tế” không? + Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi thấy không mâu thuẫn gì cả. Đảng viên giàu trong sáng, trong sạch thì đáng hoan nghênh. Chỉ có điều đảng viên khi đã giàu lên rồi thì dùng tài sản như thế nào, không sống xa hoa. Có tiền sạch rồi sống xa hoa vẫn bị “chiếu”. . Trong thực tế vẫn có biểu hiện “con ông cháu cha” được nâng đỡ vào các vị trí, ông nghĩ gì về hiện tượng này? + Tôi không nắm rõ quy hoạch nhân sự BCH Trung ương khóa tới. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu như con các đồng chí lãnh đạo mà là người noi gương bố, kiên quyết học hỏi rèn luyện tiếp nối con đường của bố thì quá tốt. Nhưng vị nể nhau, chỉ muốn lo cho con mình mà không nghĩ đến những người là con nông dân, con công nhân… không có mối quan hệ nào nhưng thật sự giỏi thì đó là điều đáng tiếc. |