Hơn 700 điểm cầu với sự tham gia của hơn 10.000 cán bộ, nhân viên y tế trong cả nước. Chủ đề hội nghị là triển khai các giải pháp để đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, công bố trong quý I-2015 đã có gần 3.500 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế phản ánh những tiêu cực, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế. Đáng chú ý, cũng trong quý I-2015 đã có hơn 2.000 cán bộ, nhân viên y tế bị nhắc nhở vì chưa hoàn thành công việc được giao, ứng xử chưa hay với người bệnh.
Hơn 2.000 cán bộ bị nhắc nhở cũng có nghĩa là đã có hơn 2.000 lời nhắc nhở của những người bệnh, những người thiệt thòi, bị tổn thương khi gặp phải sự đối xử thiếu tình người.
Thật ra, vấn đề y đức là không mới. Nó được phản ánh quá nhiều đến nỗi có nhiều người than: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng lần này hơn 2.000 lời nhắc nhở xuất hiện trong bối cảnh mới cần phải được phân tích, suy nghĩ. Bởi vì mới đây ngành y tế chính thức thông báo lộ trình thay đổi giá dịch vụ y tế. Theo đó, Nhà nước không còn là người trang trải viện phí cho các cơ sở y tế nữa mà nhiệm vụ này sẽ được chuyển dần qua tay người bệnh. Tiếng nói của họ vì thế cần phải được lắng nghe vì từ nay họ là người đóng góp kinh phí để nuôi sống bệnh viện, để nuôi sống cán bộ, nhân viên y tế.
Mặt khác, hơn 2.000 lời nhắc nhở kia cũng là cách ứng xử giữa người và người trong một xã hội bình thường. Hơn 2.000 lời nhắc nhở vì họ còn đặt niềm tin vào đội ngũ nhân viên y tế vì phần lớn trong đội ngũ này là người tốt, có lương tâm, chỉ một số ít “con sâu làm rầu nồi canh” như cách ví von của bộ trưởng Bộ Y tế từng phát biểu. Những người nhắc nhở tin rằng những ý kiến đóng góp của họ sẽ được xem xét. Họ kỳ vọng sắp tới đây cung cách phục vụ của nhân viên y tế sẽ được nâng lên. Vì vậy hãy vui thay vì phản ứng hoặc bất hợp tác.
Hôm qua, trên các kênh truyền thông, bộ trưởng Bộ Y tế chính thức phát động trong đội ngũ nhân viên y tế cả nước hãy thay đổi cung cách phục vụ, làm tăng sự hài lòng của người bệnh. Hơn 2.000 lời nhắc nhở như vậy đã nhận được sự phản hồi một cách cầu thị của ngành y tế.
Vấn đề còn lại là ngành y tế phải mạnh dạn và quyết tâm thay đổi.