Nghe tin Tổng Bí thư qua đời, bao kỷ niệm trong tôi cứ trỗi dậy - đó là những kỷ niệm nhỏ, đã lâu và nó ngời lên ở Anh một nhân cách lớn, một con người dung dị, gần gũi và ấm áp tình yêu thương…
Hồi đầu những năm 1980 cho đến đầu những năm 2000, thậm chí ngay cả bây giờ, nhóm mấy anh em chúng tôi thường gọi anh với cái tên thân mật, gần gũi: Anh Trọng!
Anh Trọng là người ít nói nhất trong nhóm. Anh chỉ hay cười tủm tỉm mỗi khi anh em chuyện này chuyện khác như pháo rang, kể cả khi kể chuyện tiếu lâm.
Trong nhóm này, tôi là người “ăn theo” thôi, bé tuổi nhất. Tôi chịu quan sát và ghi lại mấy kỷ niệm vui, như nén tâm nhang tưởng nhớ Anh.
Năm 1981, ba anh (Anh Trọng đi thực tập sinh vì đang là nghiên cứu sinh ở Học viện Nguyễn Ái Quốc; anh Phạm Quang Nghị và anh Tô Huy Rứa đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô) chuẩn bị đi Liên Xô. Lúc đó, anh Rứa bảo tôi mượn cái máy ảnh ở Trường Tuyên giáo trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) để chụp kỷ niệm cho mấy anh trước chuyến đi.
Tôi vào phòng máy của khoa Báo chí gặp anh Thanh Trúc để mượn. Khoa Báo chí lúc đó chỉ có hai máy Praktika là bất khả… mượn. Năm máy Zen-nhit thì cũng không được mượn đem ra khỏi trường, chỉ còn 24 máy Kiev là có thể.
Năn nỉ mượn cái máy ảnh Zen-nhit không được, anh Thanh Trúc bảo "để tớ chọn cho cậu cái Kiev tốt nhất". Mải mê chọn nên sau hơn 30 phút mới khoác máy ảnh Kiev ra, loại máy gọn nhỏ, vỏ bao màu da bò. Phim chụp thì đã thủ sẵn một cuộn rồi.
Ra đến cổng đường Nguyễn Phong Sắc (hồi đó trường chỉ có cổng này) tôi đã thấy ba anh vẫn đứng chống chân trên xe đạp… chờ.
Một anh sốt ruột bảo, sao lâu thế! Anh Trọng cười tủm và bảo “Mần chi mà lâu rứa hè” (ý là nhại tiếng Quảng Trị quê tôi cho vui). Và cả bốn anh em đều cười khoái chí rồi đạp xe ra công viên chụp hình cho được nắng.
Cả buổi chụp, chúng tôi nói chuyện râm ran, rồi chụp chỗ này, chỗ nọ. Riêng Anh Trọng thì chụp đâu cũng được, chỉ cười và không có ý kiến gì.
Hồi cuối 2001, trong dịp họp Trung ương, các anh bảo ra quán… ăn tối. Trong khi bàn tính công việc này nọ, tôi quay sang Anh Trọng: Có khi Anh Trọng làm giáo Thứ như em lại khỏe vì anh hiền lành quá, làm chính trị mệt lắm!
Anh Trọng cười tủm và bảo: Ừ, chú cho anh làm gì thì anh làm nấy! (Năm đó Anh Trọng đang giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội)
Cả mấy anh em đều cười vui và lại nâng ly.
Anh rất hiếm khi nhận lời mời dùng cơm, nếu không thật thân tình và hầu như Anh không uống rượu mạnh bao giờ.
Cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, mấy anh em có dịp thi thoảng ngồi ăn cơm với nhau. Trong bữa cơm, dù anh em chuyện trò rôm rả và mời Anh dùng chút rượu mạnh cho vui nhưng Anh dứt khoát chỉ xin rượu vang và nhiều lắm cũng chỉ hai lần rót.
Những gì qua tiếp xúc thì Anh là người hiền lành, ít nói, kín tiếng và hay cười tủm tỉm, sống bình dị, chân thành (...).
Anh là người không ưa hình thức, khoe khoang mà mọi việc phải thiết thực.
Nhớ hồi Anh Trọng mới đảm trách cương vị Tổng Bí thư, liền ra quy định bỏ việc căng khẩu hiệu, biểu ngữ đón cán bộ Trung ương về tỉnh làm việc, vì như Tổng Bí thư nói: đó là công việc bình thường, việc gì phải “trống giong cờ mở”.
Theo những gì mà tôi được biết một chút về gia đình anh, đó là một gia đình dân dã, bình dị, rất nền nếp và tốt bụng, hầu như không bao giờ lợi dụng danh thế của Anh để thu lợi. Đó có thể là tấm gương trong sáng cho mọi nhà (...)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách lớn, một cán bộ lãnh đạo mực thước, dung dị, đã trọn đời toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp của Đảng.
Nhớ Anh...!
(*) PGS.TS Nguyễn Văn Dững là giảng viên Cao cấp - Nguyên Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.