Đối với người thầy và những cựu học sinh của trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là người học trò xuất sắc, giản dị, trách nhiệm, đầy khát vọng vươn lên và là tấm gương sáng để noi theo.
Ở thời điểm nào, Tổng Bí thư cũng đau đáu làm sao để cống hiến
Với mái tóc bạc trắng, một tay chống gậy, chân bước từng nhịp, người thầy từng dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm lớp 6 - ông Vũ Ngọc Huỳnh, nay đã 89 tuổi, xuất hiện tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều trong một chiều Hà Nội nắng gắt.
Không cần ai đưa đón mình, người thầy giáo già muốn tự mình đến trường, đi bộ trong sân trường để nhớ về ngày xưa.
Một trong những điều đáng nhớ nhất của “ngày xưa” ấy, đối với thầy Huỳnh, chính là những năm tháng được dạy người học trò xuất sắc Nguyễn Phú Trọng.
Thầy Huỳnh kể năm 1957, do làng Lại Đà không có trường trung học nên cậu học trò Nguyễn Phú Trọng khi ấy và nhiều người khác đã xin theo học tại trường Nguyễn Gia Thiều.
“Ông Trọng cùng với ông Ngô Bá Dục, ông Vương Khắc Tăng là ba người cùng làng, đã ở trọ tại một gia đình gần trường để tiện đi học” - ông Huỳnh nói rồi bảo vào năm học 1958-1959 mình được phân công dạy môn Toán lớp 6 - lớp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày ấy.
“Ở thời đó, nhìn chung học sinh đều chăm chỉ, ngoan ngoãn, trong đó nổi bật nhất là học trò Nguyễn Phú Trọng. Ông luôn là một người học trò hiếu học, xuất sắc, có nhiều ý thức phấn đấu vươn lên dù cuộc sống gian khổ, khó khăn. Ông cũng luôn được thầy cô và bạn bè tin tưởng bầu làm lớp trưởng trong nhiều năm liền" - thầy Huỳnh kể về người học trò năm xưa.
Trong một cuốn kỷ yếu kỷ niệm ngày ra trường của khóa học sinh năm đó, thầy Huỳnh vẫn nhớ như in có ba bài thơ của học trò Nguyễn Phú Trọng.
“Đọc những dòng thơ ấy, tôi thấy toát lên tình yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô bạn bè, đồng thời cũng toát lên ý thức, trăn trở sau này phải làm gì để vươn lên, đóng góp, cống hiến cho xã hội. Học trò Nguyễn Phú Trọng luôn là đau đáu cống hiến cho đất nước, xã hội từ những ngày xưa ấy” - thầy Huỳnh chia sẻ.
Trong suốt sự nghiệp 40 năm cầm phấn của mình, thầy Vũ Ngọc Huỳnh đã có 28 năm công tác tại trường Nguyễn Gia Thiều. Trong những năm ấy, thầy Huỳnh cho biết có may mắn được gặp lại Tổng Bí thư vài lần khi người học trò cũ về thăm trường.
“Và lần nào cũng vậy, Tổng Bí thư luôn xuất hiện với tư cách là một người học sinh, gần gũi, giản dị, thể hiện rất rõ tinh thần tôn sư trọng đạo. Ông gọi tôi là thầy” - thầy Huỳnh rưng rưng.
Nhắc đến chiều 18-7, khi đọc tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trao tặng Huân chương Sao vàng, người thầy 89 tuổi nói "bỗng dưng bồi hồi".
“Lúc ấy, tôi có linh cảm là Tổng Bí thư có sức khỏe không tốt nhưng tôi vẫn tự nhủ và tin rằng người học trò xuất sắc, ưu tú chắc chắn sẽ vượt qua được” - thầy Huỳnh nghẹn ngào, tay run lên, mắt ngấn lệ.
“Ăn không no, mặc không ấm chưa bao giờ ngừng phấn đấu”
Còn theo người bạn học cùng lớp Nguyễn Văn Cộng, cũng là cựu học sinh trường Nguyễn Gia Thiều từ năm 1957-1963, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương sáng để bạn bè noi theo.
“Tôi vinh dự và tự hào khi được ở gần anh Trọng trong suốt sáu năm gian khổ. Khi thấy anh luôn tận tâm, cống hiến hết mình cho Đảng, cho dân, bản thân tôi luôn tự nhủ phải làm sao để xứng đáng với người bạn này” - ông Cộng nói.
Nhớ về những năm tháng xưa cũ nhưng vô cùng trân quý, ông Cộng kể ngày ấy ai cũng ăn không no, mặc không ấm, nhiều khi phải bảo nhau nhét giấy vào trong áo để chống lại cái rét.
“Khổ cực là thế nhưng ông Trọng luôn không ngừng phấn đấu, học tập luôn ở top đầu, luôn có tên trong danh sách học sinh giỏi và được chọn đi thi” - ông Cộng kể.
Những năm ấy, lớp chỉ học một buổi sáng, buổi chiều học sinh phụ giúp chủ nhà chăm lo vườn ruộng, cây cối. Buổi tối, khi mọi người đi nghỉ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc sách hoặc mở vở ra làm bài.
“Nhưng hồi ấy ở nhà nhiều khi tối om nên ông Trọng phải đi bộ ra trường, xin vào văn phòng đoàn để ngồi học. Những ngày mưa, ông thường ngủ lại luôn” - ông Cộng kể.
Nhớ về người bạn thân từ thuở thiếu thời Nguyễn Phú Trọng, ông Ngô Bá Dục, Hiệu trưởng trường THPT Cổ Loa giai đoạn 1991-2003, cho biết: “Chúng tôi đồng hành cùng nhau từ cấp 1 đến hết cấp 3, cùng nhau trải qua những năm tháng sôi nổi, gian khổ nhưng đầy say mê học tập, khát vọng vươn lên. Sau này khi gặp lại, dù ở bất cứ vị trí nào, Tổng Bí thư vẫn rất gần gũi, nhỏ nhẹ, chưa bao giờ có sự quan cách, xa lạ. Bạn tôi sống rất tình cảm”.
Ông Dục nhớ rõ cái lần lớp ông tổ chức họp mặt ở phố Đặng Tất (quận Ba Đình, TP Hà Nội). Khi mọi người đang trò chuyện rôm rả thì thấy chiếc xe ôm dừng ngoài cửa, rồi ông Nguyễn Phú Trọng - khi ấy là Bí thư thành ủy Hà Nội bước xuống, cả lớp ngỡ ngàng.
“Ông ấy luôn rất gần gũi, luôn là bạn Trọng của chúng tôi” - ông Dục bồi hồi kể.
Lúc nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về với các nhà cách mạng tiền bối, ông Dục lặng người, chòm râu bạc rung rung, khẽ gạt nước mắt: “Biết là quy luật nhưng sao vẫn thấy xót xa quá…”.